Wednesday, November 2, 2011

Tạp Ghi Hội Ngộ 2011 - Nhã Dung


tạpghi


______________________________________________



“…And, while with silent, lifting mind I’ve trod

The high un-trespassed sanctity of space

Put my hand, and touched the face of God…”

John Gillespie Magee Jr.



- Phải chăng là định mệnh?

Đức lang quân nhà tôi lẩm bẩm như nói chuyện với chính mình. Sau bữa cơm chiều, chàng thường tìm thú vui qua dàn điện toán, thoải mái dựa lưng thành ghế, chăm chú nhìn màn ảnh, tay ôm bảng keyboard trong lòng, lạch cạch gõ hàng mẫu tự tìm vào Yahoo, Hotmail, Juno đọc tin tức, mở điện thư bạn bè gửi tới. Ngày xưa phi công mặc áo bay bẩy túi, bây giờ vẫn quen túi tham, phải mở ba bốn hộp thư mới vừa lòng!..

Lần này chàng lại có thêm trò chơi mới nhờ gặp lại một ông huấn luyện phi hành thuở xưa nhân buổi họp mặt Khu trục vừa qua, ông này cho chàng địa chỉ website của trường cũ, chàng liền nhẩy sang Google tìm vào địa chỉ trường bay mà ngày trước đây chàng cùng nhiều bạn cùng khóa tập tễnh làm quen với cơ khí, với không gian, mây trời.

Đang mải mê đọc cuốn sách, thấy chàng buông câu nói bâng quơ nhưng cũng hàm hồ một ý nghĩ quan tâm nào đó, tôi quay sang hỏi:

- Chuyện gì mà có vẻ lâm ly bi đát qúa vậy?

Chàng không vội trả lời, vẫn chăm chú nhìn màn ảnh như bị thôi miên. Sự yên lặng khiến tôi nổi cơn tò mò, bỏ cuốn sách đọc dở, kéo chiếc ghế ngồi cạnh. Chàng vừa đẩy ghế sang một bên để tôi đối diện với màn ảnh vừa nói:

- Đọc bài thơ này cho biết?

Xưa nay tôi vẫn không có duyên nợ với những vần thơ, hơn nữa đây lại là thơ viết bằng Anh ngữ nên tôi càng có lý do toan tính từ chối, nhưng vì chàng cứ tiếp tục thúc dục tôi nên đọc, lại nói thêm về xuất xứ và nguồn gốc của bài thơ nên tôi cũng cố đọc hết cho chàng vừa lòng. Đọc qua tôi vẫn chưa tìm thấy có điều gì nổi bật, chỉ là những vần thơ diễn tả niềm vui và tình cảm của một phi công trẻ thả hồn cùng cánh chim sắt vẫy vùng trong không gian bao la.

Có lẽ tại tôi không có duyên với thơ nên chậm hội nhập được ý của người viết. Nhưng qua đôi ba phút suy nghĩ, dường như câu cuối của bài thơ có một ý nghĩ táo bạo nào đó khiến tôi phải chú ý, nhẩm đọc lại ba câu cuối cùng của bài thơ mới thấy tình cảm qua ngôn từ phóng khoáng của người viết. Tuy nhiên tôi vẫn chưa hiểu được suy nghĩ về hai chữ “định mệnh” mà đức lang quân nhà tôi xử dụng để ám chỉ điều gì khi chàng tự đặt câu hỏi qua bài thơ vừa đọc.

Tính hiếu kỳ thúc dục, tôi tìm vào mục tiểu sử của người viết, được biết đó là bài thơ “High Flight” của ông John Gillespie Magee Jr., rất phổ thông, được lưu truyền trong Không Quân Hoa Kỳ từ đệ nhị thế chiến cho đến ngày nay. Ông Magee Jr. là công dân Hoa Kỳ nhưng lại gia nhập Không Quân Gia Nã Đại, phục vụ tại phi đoàn tác chiến Spitfire bên chiến trường Âu Châu. Ông viết bài thơ này vào tháng 9-1941 gửi về cho cha mẹ, một thời gian sau đó ông bị tử nạn vào tháng 12-1941 khi mới vừa mười chín tuổi đời!

Bây giờ tôi chợt hiểu, phải chăng đức lang quân nhà tôi suy diễn từ câu cuối cùng bài thơ High Flight “Put out my hand, and touched the face of God" và tuổi đời mười chín của người phi công đầy nhựa sống đã nửa đường gẫy cánh ở tuổi còn qúa trẻ. Nỗi bất hạnh, lại thêm ngôn từ phóng khoáng, có thể nói là ngạo mạn, dám cả gan “dơ tay vuốt mặt Thượng đế”. Suy diễn theo dị đoan thường tình, phải chăng đây là một điềm “gở”, một trùng hợp vô tình hay là định mệnh?



Nhân buổi họp mặt Khu trục kỳ 2 tại San Jose, nhìn cảnh qúy anh gặp lại một số huấn luyện viên phi hành, cố vấn phi đoàn của ngày xưa cũ, ai nấy đều mang nụ cười mừng rỡ, đưa tay nắm chặt tay nhau, nhìn nhau ngập ngừng như cố lần tìm lại dáng dấp năm xưa trong trí óc.

Như trường hợp anh Nguyễn Qúi Chấn, khi nghe có tên ông Carlos Lerma, cựu huấn luyện viên phi hành của anh tại căn cứ KQ Randolph, Texas về tham dự. Mừng vì nghe tin “ông thầy cũ” có mặt trong đám đông, muốn tìm gặp nhưng sau gần nửa thế kỷ không biết “mặt mũi” ông ấy bây giờ ra sao, anh Chấn do dự, dò hỏi đức lang quân nhà tôi có biết ai là ông Carlos Lerma. Vì đã có dịp tiếp xúc với mấy ông “thầy cũ” và mấy ông cựu cố vấn phi đoàn đến ghi danh tại bàn tiếp tân nên đức lang quân nhà tôi đã có cơ hội trao đổi dăm ba lời hỏi thăm, đón chào và nhận diện từng người, chàng hoan hỉ kéo anh Chấn lại giới thiệu cho ông Carlos Lerma.

Vóc dáng mỗi người tuy có thay đổi theo thời gian nhưng khi gặp lại, dù có giây phút ngỡ ngàng, nắm chặt tay nhau trong cảnh ngập ngừng như cố tìm lại hình ảnh trong dĩ vãng. Rồi qua lời giới thiệu, dăm ba câu trao đổi gợi lại qúa khứ, khi nhận ra nhau, đưa vòng tay mở rộng ôm chặt vai nhau như cố kéo qúa khứ lại gần. Cảnh tượng diễn ra trước mắt lại khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh tương tự trong những buổi hội ngộ trước đây, khi qúy anh gặp lại nhau sau nhiều năm xa cách.



Thêm một điều hi hữu về ông Carlos Lerma có liên quan đến buổi họp mặt Khu trục kỳ 2 vừa qua. Nhân khi lần vào website chung của các phi đoàn huấn luyện 3389th, 3512th, 3551st PTS (Pilot Training Squadron), qua mục “Updates” có đăng tin và hình ảnh của buổi họp mặt Khu Trục, ngoài ra còn thêm một bản tin:

“Found Alive-Carlos Lerma”!

Sở dĩ có chuyện hi hữu này là vì trước đây bạn bè nghe tin đồn ông Carlos Lerma đã qua đời nên website của phi đoàn huấn luyện đã ghi tên ông vào mục “Roll of Honor”, là bảng ghi danh những cựu huấn luyện viên phi hành và các cựu khóa sinh đã từ trần. Nhân buổi họp mặt Khu trục, ông Chuck Davies đã gặp lại ông Carlos Lerma và xác nhận cùng bạn hữu ông này vẫn sống phây phây, thế là website đã lấy tên ông Carlos Lerma ra khỏi cõi chết!



Ông Howard Pierson từng là cố vấn của Phi đoàn 516. Trong ba ngày vui họp mặt, ông luôn cuốn chiếc khăn quàng cổ mầu tím hoa cà. Ông tâm sự là đã phục vụ 40 năm trong Không Quân Hoa Kỳ, trải qua ba trận chiến, từ thế chiến thứ hai, Triều Tiên và Việt Nam. Nay tuổi đời chồng chất, một con mắt bị hư, ông đeo vòng vải che mắt trông giống như ông Moshe Dayan (1915-1981), vị tướng và cũng là nhà ngoại giao tài ba của Do Thái một thời trước đây. Tuổi đời tuy cao nhưng bước đi vẫn hiên ngang, nhanh nhẹn, giọng nói vẫn mạnh mẽ, vui nhộn qua những câu chuyện vui dí dỏm. Ông Pierson hãnh diện khoe với mọi người hiện diện vòng vải che mắt rất đặc biệt có thêu hình đầu con hổ, huy hiệu của Phi đoàn 516. Sau tràng pháo tay tán thưởng, ông gỡ vòng che mắt, tay móc túi áo, cười vui với lời hứa hẹn:

“You guys will like the next one better”.

Ông lấy một vòng che mắt mới choàng ngang đầu, tay chỉ vào mảnh vải che mắt thêu hình lá cờ vàng ba sọc đỏ:

“You guys fought to defend and to protect this”.

Như được một món qùa thích thú bất ngờ, cả hội trường đồng lượt rộ lên lời trầm trồ, tiếng vỗ tay vang dậy hội trường, nhiều người vừa vỗ tay vừa đứng dậy thể hiện cho lời tán thưởng nồng nhiệt và lòng biết ơn. Rồi như lạc trong tiếng người, tiếng vỗ tay, giọng ông run run:

“I did, too. I love you all. God bless”!

Không ngờ ông già Pierson này lại biểu diễn một màn chưởng ngoạn mục, dễ thương như thế. Vẫn giữ được niềm tin, tình đồng đội, tô thêm vui tươi cho tình thân bạn hữu.

Đây cũng là một trong những thí dụ điển hình, là một bằng chứng cho sự cần thiết qua việc thông tin, liên lạc giữa bạn bè, lồng trong ý nghĩa của các đêm không gian hội ngộ, các buổi họp mặt.

Nghe tin vui nhộn họp mặt này, có lẽ ông trưởng ban tổ chức Lê Văn Thặng sẽ hinh hích cười vui vì mục đích chính của họp mặt đã đạt được, là niềm vui bạn bè, đưa bạn đồng ngũ có cơ hội lại gần, đôi khi lại có niềm vui sống động bất ngờ, thêm ý nghĩa và thích thú, bõ công cho ban tổ chức dành cả một năm trời nhộn nhịp liên lạc bạn hữu khắp nơi, gọi nhau hợp đoàn sau sáu năm đoàn tụ lần đầu. Những buổi họp qua lại từ nhà anh chị Trần Trung Quân đến nhà anh chị Lâm Thành Mộng. Mỗi lần đến họp, anh Nguyễn Ngọc Bình và anh Nguyễn Tài Cơ phải vượt qua nhiều xa lộ, lái xe gần hai giờ mới tới San Jose. Anh Trịnh Trọng Khang dùng “hi-tech” phụ họa phần hình ảnh, anh Trương Tiến Đạt lo phần thể thao, có lẽ anh sợ bạn bè về gặp nhau lại mải lo thù tạc, tiệc tùng linh đình nên cần có lúc sinh hoạt giải trí, vác vợt ra sân so tài lượm banh.

Ngoài ra, ông Hôi trưởng hội KQ Bắc Cali Nguyễn Mạnh Khang và ban chấp hành cùng đưa tay phụ giúp anh Thặng và ban tổ chức họp mặt Khu trục về nhân lực, về thông tin, báo chí, phát hành một số Đặc san viết riêng về ngành Khu Trục. Đặc san được phát hành đúng ngày họp mặt cũmg là nhờ khả năng và thiện chí phục vụ tập thể của anh Thái Ngùng và nàng dâu KQ Lệ Thu.

Xin ghi nhận tinh thần hợp tác, một cử chỉ đẹp của người Không Quân.



Nói đến những buổi họp mặt, nhất là những buổi họp mặt đông đảo như thế này tất nhiên là phải có ồn ào, vui nhộn. Tuy nhiên, trước khi ồn ào vui nhộn, qúy anh đã dành một khoảng thời gian nhiệm mầu, nghiêm chỉnh trước lá cờ tượng trưng cho mảnh đất qúy anh đã cố dấn thân gìn giữ. Nhớ đến những người bạn cùng lý tưởng, cùng mang một niềm tin, những cánh chim đầy qủa cảm, tự tin, tưởng chừng như chế ngự được mọi gian nguy, trở ngại nhưng không ngờ nửa đường gẫy cánh giữa tuổi đầy tin yêu, nhiệt huyết.

Nhớ đến bạn đồng đội qúa vãng, qúy anh không chỉ bỏ một giây phút tưởng niệm như những chương trình nghi lễ thường lệ mà đã dành cả một chương trình đặc biệt mới có đủ thời gian để diễn tả niềm tiếc thương.

Cả hội trường gần năm trăm người đứng im lặng chờ đợi, bước chân đều nhịp của sáu cựu SVSQ trong đại lễ phục mầu trắng tinh khiết là tiếng động duy nhất hướng về phía chiếc bàn tròn đầy đủ bát đĩa, ly tách, muỗng nĩa sẵn sàng cho bữa tiệc, với sáu chìếc ghế dựa nghiêng thành bàn như dấu hiệu bàn tiệc được dành riêng cho một nhóm người đến muộn.

Lồng trong tiếng nhạc nhẹ nhàng, thiết tha, với giọng từ tốn, anh Lê Văn Thặng cất lời mở đầu nghi lễ truy điệu. Trong không khí thiêng liêng nhiệm mầu, ai nấy im lặng chờ đợi, một giọng nữ tiếp lời cất lên tiếng nói như những lời mời gọi:

“Các anh,

Những người bạn thân thương, những chiến sĩ qủa cảm.

Các anh đã làm tròn bổn phận đối với tổ quốc.

Các anh đã làm xong nghĩa vụ của người dân đối với quê hương.

Các anh ra đi,

bỏ lại sau lưng gia đình yêu qúy,

bỏ lại sau lưng bạn bè thân thương.

Hôm nay sau 36 năm xếp cánh ngừng bay,

anh em, một lần nữa lại hẹn nhau về họp mặt nơi đây.

Trong nỗi hân hoan của niềm vui hội ngộ,

chúng tôi vẫn không quên…”



Sau giây phút im lặng giọng chị vẫn điềm đạm, từ tốn lần lượt nhắc lại lời tưởng nhớ đến chiến sĩ thuộc sáu Sư đoàn KQ đã lìa cõi trần. Qua mỗi lần xướng danh, một SVSQ trong đại lễ phục bước đến đặt chiếc mũ xanh KQ trên bàn rồi dơ tay nghiêm chỉnh chào trong khi lời nói “Chúng tôi vẫn nhớ” được nhắc lại sau mỗi danh xưng Sư đoàn như một lời nhắn nhủ, vỗ về yêu thương.

Lúc này tôi mới hiểu vai trò của sáu SVSQ trong đại lễ phục là tượng trưng cho sáu Sư đoàn Không Quân. Trong khung cảnh trang nghiêm nhiệm mầu phảng phất âm thanh của những nốt nhạc chậm buồn, những lời nhớ thương, những bước chân nhịp nhàng, những bước quay đổi hướng qua động tác căn bản quân sự, hình ảnh linh động này dường như đã giúp người hiện diện bớt đi một phần nào không khí buồn thảm, sầu bi.

Mỗi lần qúy anh họp mặt, màn tưởng niệm vẫn là một ấn tương khó quên. Hình thức và nội dung trang nghiêm, nhiệm mầu, mang tình cảm tiếc thương đầy đặn gửi đến những đồng đội qúa vãng, được thể hiện qua động tác linh hoạt của toán SVSQ, qua lời xướng ngôn của chị Thục Oanh. Có người dò hỏi ai là chị Thục Oanh, tôi xin thưa, chị Thục Oanh là hiền thê của anh Lê Văn Thặng. Sống ở quê hương thứ hai này đã qúa lâu nên chúng tôi thêm thói quen dùng tên cha mẹ đặt cho khi xưng hô trong câu chuyện trao đổi qua tình thân bạn hữu. Xin đừng hiểu lầm là phụ nữ chúng tôi có ý “đòi quyền sống” đấy nhé!

Tôi rất phục tài và can đảm của chị trong vai xướng ngôn vì dù có nhiệm vụ nhắc lại những lời tiếc thương mang nặng tình cảm, chị vẫn giữ được bình tĩnh, chế ngự nỗi xúc động giúp cho phần tưởng niệm trọn vẹn trang nghiêm, hoàn hảo.

Với dáng oai phong trong bô quân phục, toán cựu SVSQ đại diện cho hai khóa 72-73 đã góp thêm phần linh động cho buổi họp mặt. Dù trong giây phút trang nghiêm, tình cảm vơi đầy của buổi lễ tưởng niệm, những bước đi nhịp nhàng, bước quay đổi hướng gọn ghẽ, những cánh tay chào thẳng góc, tất cả là hiện thân cho những hình ảnh sống động, những nét đẹp của tập thể. Theo lời người giới thiệu, họ cũng chính là những người đại diện cho lớp phi công Khu trục hào hùng cuối cùng của Không lực VNCH.

Nhân dịp có một số qúy bậc đàn anh đại diện cho những phi công khu trục tiên khởi như cựu Tư lệnh Không Quân Huỳnh Hữu Hiền, qúy anh Nguyễn Hồng Tuyền, Ôn Văn Tài và có thêm các phi công khu trục xuất thân từ các khóa 72-73 tham dự, ban tổ chức đã hãnh diện giới thiệu hai thế hệ phi công khu trục tiên khởi và cuối cùng, ghi lại sự trưởng thành của ngành Khu trục trong hai mươi năm hoạt động.

Ngoài ra qúy anh còn nhớ đến những người anh em kỹ thuật, mời được ông anh Đoàn Văn Đệ, là một trong số sĩ quan kỹ thuật đầu tiên, đứng sánh vai cùng những phi công khu trục tiên khởi như một điều qúy anh muốn nhắc lại niềm tin, lời cảm ơn gửi đến những người anh em kỹ thuật. Để chứng tỏ phi hành và kỹ thuật là bạn đồng hành, một hợp tác gắn bó cần thiết.

Việc ghi nhận hai thế hệ phi công Khu trục tiên khởi và cuối cùng, phải chăng qúy anh muốn mở lại trang sử của ngành mình từng phục vụ. Nhớ đến những bậc đàn anh mở đường cho bước đầu khó khăn, lớp người anh em kế tiếp vẫn duy trì được truyền thống hào hùng của ngành Khu trục. Kính trên, trọng dưới, một cử chỉ đáng mến, một hình ảnh tuyệt đẹp.

Tôi vẫn thường nghe qúy anh từng nhắc đến việc mời một nữ phi công bay phi cơ chiến đấu F-18 của Thủy quân lục chiến Hoa kỳ, cô Elizabeth Phạm, lần này nàng nhận lời mời về chung vui họp mặt.

Nghe tên nhưng chưa hề gặp nên tôi hình dung cô gái Việt này phải là người có vóc dáng cao lớn, đặc biệt lắm mới đủ sức khỏe và can đảm bay phi cơ phản lực chiến đấu gồ ghề như thế này. Nhưng khi gặp nàng trong buổi họp mặt Khu trục vừa qua, tôi thấy nàng đến trong bộ quân phục, trong câu chuyện trao đổi nàng vẫn giữ được nét nhỏ nhẹ, dáng điệu thanh tao, duyên dáng của những cô gái Việt muôn thuở. Tôi tự cười là mình đã qúa tưởng tượng, quên rằng mình không còn ở thế kỷ 20 nữa mà hiện tại đang là thế kỷ 21. Suy nghĩ khác biệt giữa hai thế hệ phụ nữ dường như vẫn chưa đưa tôi thoát khỏi tư tưởng của xã hội vào lứa tuổi mình chào đời, khôn lớn và trưởng thành.



“Bạn ơi quan hà xin cạn chén ly bôi”!

Buổi họp mặt dù có vui nhộn thế nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Nghe câu ca, giọng hát quen thuộc, không cần phải nhìn tận mắt tôi cũng biết ngay đó là anh Nguyễn Đức Hiền.

Dạ tiệc tàn, mọi người kéo ra hành lang, kẻ bắt tay nói câu tạm biệt, người dùng dằng như vẫn còn muốn nán lại tiếp thêm dăm câu chuyện. Anh Hiền dang tay choàng vai anh Huỳnh Thông Thái và anh Nguyễn Đức Minh, cả ba trong bước ngả nghiêng cùng nghêu ngao, lập đi lập lại lời ca duy nhất với giọng trầm bổng thất thường như người vừa qua một chầu cụng ly với bạn bè khi chia tay tàn cuộc vui. Gặp đức lang quân nhà tôi, cả ba anh kéo chàng lại gần như muốn nói một chuyện cần thiết.

Trong câu chuyện trao đổi trên đường về, chàng cho biết là các anh ấy muốn chàng tiếp tục tổ chức họp khoá vào đầu tháng bẩy. Tôi nhẩm tính, bây giờ đã qua một tuần lễ của tháng năm, chỉ còn bẩy tuần lễ nữa là sang tháng bẩy, tôi tỏ ý lo ngại vì thời gian qúa cận kề để lo việc tổ chức.

Không phải là việc của tôi nhưng vì hay có tật lo sợ vẩn vơ cho người nên có lần bị đức lang quân sửa nhẹ lưng, nói bóng nói gió tôi là “người ngồi dưới đất lo cho người trên cây”!

Qủa nhiên là tôi đã vội vã lo chuyện người trong khi đức lang quân nhà tôi cứ tỉnh bơ, mọi việc tôi nghĩ là nan giải cũng qua đi nhờ có anh Hiền, anh Minh và anh Thái, anh Xương lo việc thông tin, liên lạc cổ động qúy anh cùng khóa 63D/KQ khắp nơi về họp mặt để giữ thông lệ như qúy anh đã bàn định trước đây. Xin ghi nhận, họp mặt kỳ này thành công được là nhờ sự cố gắng vượt bực cuả phu nhân KQ Đoàn Toại.

Có lẽ vì thời gian qúa gấp, một số đông đã không kịp thu xếp hành trình về tham dự nhưng chương trình và địa điểm họp mặt đã định xong, dù nhiều hay ít cũng vẫn tiến hành vì các anh muốn giữ ngày 1 tháng 7 như một thời điểm kỷ niệm không thể quên trong đời, ngày các anh đặt bút ký nhập căn cứ Tân Sơn Nhất để tình nguyện gắn đời mình với Không Quân.

Tuy không đông đảo như lần trước nhưng cũng đủ những khuôn mặt và bí danh quen thuộc, như “Thầy tướng số” Hùynh Liên, “Ông Hoàng Norodom” Trần Minh Bạch, Nguyễn Văn Thạch “Slow”, Hiền “Điên”, Triết “Lồi”, “Chị Bẩy” Thái…, tôi chỉ biết nhắc lại những bí danh qúy anh gán cho nhau, không phải là tôi bịa đặt đấy nhé.

Nhà hàng Thành Được vẫn là nơi qúy anh ưa chuộng, chọn làm nơi tụ họp vì nơi đây là địa điểm khang trang thuận tiện lại thêm mầu sắc trang nhã với bàn ăn, ghế ngồi phảng phất mầu tím hoa cà, gợi lại hình ảnh và mầu sắc câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc của ngày trước đây, nơi Khóa 63D của qúy anh xử dụng trong thời gian đồn trú tại căn cứ Tân Sơn Nhất.

Còn nhớ buổi họp mặt đầu tiên tại nhà hàng Thành Được cách đây bốn năm, qúy anh đã điều đình được với ban giám đốc nhà hàng cho kéo bảng “Câu Lạc Bộ Huỳnh Hữu Bạc” ngay trước cửa, thiệp mời tham dự cũng ghi cùng tên. Lần này dù chỉ là một nhóm nhỏ nhưng ban điều hành nhà hàng vẫn có nhã ý dành phần chính nhà hàng cho qúy anh xữ dụng. Khi ngỏ lời cám ơn thiện cảm đặc biệt này, được nhà hàng đỡ lời bằng câu “đặc biệt dành cho Không Quân”! Nghe có dễ thương, mát lòng qúy anh chưa nhỉ?...



Cuộc vui tiếp tục sang ngày hôm sau nhờ có Charlie và Thanh Huệ Parker tình nguyện cho mượn tư gia. Dù mới vào hạ, gặp ngày nắng Danville bắt đầu hâm nóng nhưng là nắng ấm hiền hòa vừa đủ cho có cơ hội ngồi vui chơi, xum họp ngoài trời. Gia chủ Charlie, Thanh Huệ vui bạn, hiếu khách, xếp đặt hàng ghế quanh hồ bơi để khách tiện nhúng chân hay bơi vài vòng hưởng cái thú mùa hè.

Đã quen với khí hậu vùng vịnh, nhiệt độ mùa hè dù có nóng tới mức nào nhưng khi nhúng vào nước vẫn thấy lạnh buốt nổi da gà cho nên tôi không hề có ý định tắm biển, tắm hồ. Nhìn chị Hiền, chị Bạch vui đùa bơi lội trong hồ nước mà thèm nhưng tôi chỉ dám bắt chước dăm ba chị cùng ngồi trên bờ thả chân đùa với nước lạnh cũng đã cảm thấy thích thú lắm rồi. Vừa đưa đẩy chân đùa với nước lạnh vừa nghe chị Triết bạo miệng kể chuyện vui trời đất, loài người thì chỉ biết ôm bụng cười bò. Không hiểu bà này tìm đâu ra nhiều chuyện liêu trai, dị kỳ đủ hai ý nghĩa âm dương như vậy. Chị Triết kể chuyện trong khi anh Triết, anh Hiền, anh Minh, anh Xương, anh Phan Văn Dũng, anh Thạch “Slow” say mê ca hát, nhẩy nhót như tận hưởng cuộc vui họp mặt bạn bè cùng khóa cho bõ công hẹn hò.

Buổi họp mặt thêm vui nhộn tình huynh đệ khi anh chị Nguyễn Hồng Tuyền, anh chị Nguyễn Đình Lộc đáp lời mời tìm đến. Anh Tuyền cùng nhập cuộc vui, nói chuyện bông đùa, ca hát chung vui. Anh chị Lộc thì không xa lạ gì, đã nhiều lần chung vui với Khóa 63D nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nghe gọng ca rất dễ thương của chị Lộc. Thế mà từ xưa tới nay nàng dấu tài nghệ kỹ qúa!

Trong đám đông, anh Huỳnh Thông Thái và anh Võ Huỳnh Ánh là hai người độc thân. Anh Thái cũng góp vào cuộc vui với bạn bè nhưng đôi khi thấy anh tư lự như người mất hồn, để tâm trí về một phương trời nào khác. Anh nói với bạn bè là sau lần họp mặt anh sẽ lang thang tiếu ngạo giang hồ một thời gian. Nghe anh Thái nói đến chương trình đi ngao du thiên hạ dường như anh Ánh cũng cảm thấy hơi nhột nên khi tự giới thiệu anh đã không quên kèm thêm chữ “available” như bảng hiệu quảng cáo!

Ngày vui chưa tàn mà anh Võ Huỳnh Ánh, anh Huỳnh Liên và anh Trần Minh Bạch đều lần lượt thúc bạn bè tiếp tục họp mặt hàng năm. Hai năm họp một lần đã thấy khó khăn, bây giờ qúy anh lại kêu gọi họp hàng năm tôi sợ rằng qúy anh hơi lạc quan đấy!

Bốn ngày nghỉ cuối tuần nhân dịp lễ độc lâp, sau buổi tụ tập tại nhà chị Thanh Huệ một số qúy anh chị còn chương trình xuôi Nam đến quân Cam, nơi đây hàng năm qúy KQ khắp nơi lại hẹn nhau về tụ họp, liên tiếp những buổi họp mặt chung vui, nào là Bô lão KQ, Hội KQ miền Trung Cali., các Khóa, các Phi đoàn, nhộn nhịp như ngày KQ tại Tân Sơn Nhất, Saigon năm xưa.

Hai ngày vui nhộn nhịp rồi cũng qua đi. Xin cám ơn gia chủ Charlie và Thanh Huệ với lòng hiếu khách, đã ân cần, hậu hĩnh đón tiếp bạn hữu.

Xin cám ơn chị Xương, chị Thanh Huệ đã lo phần ẩm thực thật thật khéo, thật dồi dào với ngân khoản có vẻ “kiệm ước” của ông trưởng ban tổ chức trao.



Nếu cứ ngồi đếm những ngày nghỉ trong năm mới giật mình thấy thời gian trôi qua không ngờ. Mới hôm nào vừa nói chuyện đầu năm, rồi vừa đây họp mặt Khu trục đầu tháng năm, họp mặt 63D đầu tháng bẩy và bây giờ đã là cuối tháng tám, trời sắp chuyển sang thu. Chợt nhớ là mình chưa gửi bài viết cho Đặc san như đã hứa nên vội vàng góp nhặt lại những gì đã ghi tạm rải rác trong bộ óc nhân tạo để đúc kết thành bài.

Nhớ lại cảnh nhộn nhịp, những nụ cười, những bàn tay hân hoan nắm chặt củq qúy anh khi gặp nhau mới thấy những buổi hội ngộ, họp mặt như thế này là một cần thiết trong đời sống bình thường.

Qúa khứ vẫn lưu lại nhiều kỷ niệm đẹp, nhiều nụ cười đáng yêu!

8-2011

Nhã Dung

Saturday, October 17, 2009

SVSQ KQ Khóa 63D Hội Ngộ (7/2009) - Nhã Dung




Nhã Dung
Tapghi
_______________________


“Nhìn về nơi cuối chân trời
Từng làn mây lướt trôi
Theo tiếng đời vẫn rơi
Nụ cười vừa vui chợt tắt
Còn lại bao hắt hiu
Hay chỉ là những phù du thoáng qua…”

Giọng ca trầm bổng của Tuấn Ngọc từ phòng ngoài vọng vào như một lời ru, xoa dịu cảm giác vật vờ trong cơn mơ màng ngái ngủ buổi chiều cuối tuần một ngày giữa thu.
Nghe tiếng động nhè nhẹ, tiếp theo là một giọng nói thân yêu vẳng bên tai:
- “Hi, Bà”!
Tôi nheo cặp mắt hé mở nhìn về phía cửa phòng, cô cháu ngoại đầu đời nhoẻn miệng cười, đẩy cửa bước vào phòng, nhặt vội vài món đồ chơi rồi vội vã chạy ra ngoài, chỉ kịp hớt hải bồi thêm lời quen miệng “bye!” theo thói quen của lũ trẻ, nhưng không quên với tay đóng sập cánh cửa phòng!

- Vua ngủ định tuyệt thực bữa chiều hay sao mà ngủ miên man qúa vậy?
Cửa phòng lại chợt mở, giọng nói như trêu chọc của đức lang quân cũng không đủ cho tôi phản ứng. Vẫn nhắm mắt trong mơ màng, lại thêm dòng nhạc, lời ca như muốn đồng lõa với cơn lười biếng của một người thiếu ngủ, nhẹ nhàng như lời ru đong đưa giúp tôi cố bám lấy giấc ngủ thèm thuồng.
Nhưng rồi những tiếng động của cô cháu ngoại, lời trêu chọc của đức lang quân và thêm những nốt nhạc, lời ca êm đềm đã kéo tôi qua cảm giác ngái ngủ vật vờ. Nhìn căn phòng ngổn ngang những đồ chơi của cô cháu, chợt nhớ hiện tại tôi đang hít thở không khí tại một khoảng không gian xa nhà trên ngàn dặm và khoảng thời gian cũng trôi trước hai giờ. Tuy có con, có cháu bên cạnh nhưng dường như khoảng không gian và thời gian cách biệt này vẫn có ảnh hưởng đến đời sống và suy nghĩ bình thường. Mỗi khi nhìn kim đồng hồ để biết giờ địa phương, trí óc tôi lại tự động thầm kéo kim đồng hồ lùi lại hai giờ để hợp với giờ miền Tây, thói quen này đưa tôi vào thế bị động vì đã vô tình đặt mình vào cảnh sống với hai khoảng không gian và thời gian cùng một lúc, trái ngược hẳn với bài thuyết giảng của ông thầy dậy học năm xưa vẫn còn phảng phất mỗi khi nhớ lại.
Khi cô cháu ngoại chào đời, có cô cháu ngay bên cạnh, tôi đã dồn tất cả thương yêu cho cô cháu. Nâng niu, bồng bế cô cháu ngoại đầu đời được vừa đủ hai năm, cô cháu yêu dấu cuốn gói theo cha mẹ về một tiểu bang xa xôi ngàn dặm, nơi hàng năm thường bị những cơn giông bão đe dọa mỗi khi mùa hè trở về.
Hàng ngày, đức lang quân nhà tôi thường ôm cái “remote control” nhẩy từ đài này qua đài kia để theo dõi chương trình thể thao, thỉnh thoảng tôi lại cắt ngang, nhắc chàng nhẩy sang tin tức khí tượng để biết chung tình trạng thời tiết tổng quát toàn quốc và địa phương và bây giờ lại đặc biệt chú ý theo dõi thêm thời tiết tại địa phương nơi có cô cháu ngoại trú ngụ.
Theo dõi mấy ông bà mang nhãn hiệu “Meteorologists” của đài khí tượng tiên đoán và dẫn giải, đôi khi tôi cũng phập phòng lo nghĩ, sợ mưa gió dầm dề, sấm sét bão bùng làm cô cháu giật mình hoảng sợ. Biết tôi có tật hay lo nghĩ vẩn vơ, đức lang quân thường trêu chọc, cho rằng tôi chỉ là kẻ đứng trên cây lo cho người ngồi dưới đất!
Thấy tôi hay lo sợ cho con cháu ở xa khi nghe tin thời tiết biến động chàng vẫn thường chế nhạo là tôi dễ tưởng tượng, tuyệt đối tin vào lời tuyên đoán của mấy “ông bà khí tượng” làm như những lời tiên đoán này sẽ xẩy ra đúng như lời các ông bả đã “phán”. Tôi vẫn thường làm ngơ những lời trêu chọc của chàng, tin vào lời tiên đoán thời tiết vì nghĩ rằng đó là lời tiên đoán đứng đắn đáng tin, trước đây có thể còn nghi ngờ sự chính xác nhưng ngày nay, với vệ tinh, với kỹ thuật tối tân, máy điện toán tinh vi, việc tiên đoán thời tiết chắc hẳn cũng chính xác hơn.
Nghe tôi chống đỡ, chàng vẫn còn bán tín bán nghi, đơn cử những lần tiên đoán sai lạc của mấy ông bà khí tượng như muốn tôi đừng qúa tin để rồi lại mang lo nghĩ cho bận tâm. Chàng còn trêu chọc thêm:
- Thời tiết thay đổi như tính tình của một người đàn bà, ai mà tiên đoán được!

Thế rồi gần hai năm sau, cô bé đã gần đủ bốn tuổi thì cậu em chào đời. Thêm tin vui nhưng lần này con cháu đều cư ngụ xa xôi cách biệt, có muốn giúp đỡ, nâng niu, bồng bế cũng phải tìm ngày nghỉ, mất thời gian vượt quãng đường dài.
Vì công việc làm ăn, vì việc học vấn, cô con gái nhà tôi cùng chồng, con đã phải di chuyển tới tiểu bang xa xôi này, xa tất cả người thân nên khi sinh thêm đứa con thứ nhì, không đường xoay xở, bí qúa lại phải gọi diện thoại cầu cứu mẹ!
Thương con, yêu cháu, tôi lại nhận lời sang tiếp tay phụ giúp việc săn sóc cậu cháu ngoại đầu đời và hiện tại ở nơi đây đã được đầy một tháng và còn ở lại đây thêm một tháng nữa mới trở về nhà.
Từ ngày định cư tại một thị trấn nhỏ thuộc vùng vịnh San Francisco chưa một lần tôi lại đi xa nhà một thời gian dài như thế này. Tuy được gần con cháu nhưng lại phải xa đức lang quân, vì công việc nên chàng không thể vắng mặt nhiều ngày mà chỉ thỉnh thoảng đến nơi đây vào mấy ngày cuối tuần, như chàng đến đây lần này, mang theo một số đĩa nhạc Việt để tôi giải khuây với những bản nhạc ưa thích như âm thanh trầm bổng của Tuấn Ngọc từ phòng ngoài vừa vọng vào.
Có đức lang quân bên cạnh tôi còn có dịp nghe, nhưng khi chàng rời nơi này tôi lại bận bịu với cậu cháu ngoại mà quên đi tất cả chuyện khác. Hàng ngày các con đi làm, đi học, cô cháu ngoại cũng được gửi để làm quen với lớp học tại “vườn trẻ”, chỉ còn mình tôi ở nhà ôm cậu cháu ngoại mà như thói quen của người mình tôi thường gọi là “thằng cu”, cu cậu tuy còn nhỏ nhưng ôm ẵm cả ngày cũng mỏi tay. Nghe tôi hay nhắc đến “thằng cu” và có lúc vô tình than mỏi tay, chuyển “thằng cu” cho đức lang quân bế giúp một lát thì chàng ỡm ờ lẩm bẩm trêu chọc:
- Bỏ “cu nhớn” đi ôm “cu nhỏ” rồi bây giờ lại than!

Bỏ nhà đi xa một thời gian khá dài, bạn bè gọi tới nhà rủ rê hội họp, tiệc tùng nhưng đều không gặp. Khi tôi trở về, lũ bạn la lối om xòm, cho việc tôi xa nhà như phạm một tội đầy trời!
Hiện tại, phần lớn lũ bạn cùng lớp, cùng thời năm xưa đã trở thành bà nội, bà ngoại cả rồi, ai nấy đều mang chung một tình cảm mới là thương cháu hơn thương con, nên khi nghe tôi giải thích về sự vắng mặt lâu dài, lũ bạn biết tin đều trở mặt làm lành, ngỏ lời mừng cho tôi đã có một cặp cháu ngoại, có gái, có trai như thế này là một diễm phúc rồi.
Tin đáng vui mừng thật đấy nhưng chợt nghĩ lại tôi mới thấy đời mình thay đổi qúa nhanh không ngờ, mới ngày nào còn cắp sách đến trường, còn tung tăng vui đùa, còn mộng mơ…để rồi đến bây giờ đã sang tuổi làm bà ngoại! Những lúc gặp lại bạn bè thuở còn cắp sách đến trường, tuy ai nấy đã qua tuổi làm cha mẹ và đã sang tuổi ông bà nhưng gặp nhau là vẫn ‘‘mày mày, tao tao” như ngày còn tung tăng đuổi bắt nhau trong sân trường, vẫn giữ được những nụ cười nghịch ngợm khi nhắc lại những “nết hư tật xấu” của tuổi học trò như một kỷ niệm khó quên. Vẫn vui chơi nhộn nhịp với lời ca, nốt nhạc qua mục tụ họp “Karaoke” hoặc qua âm điệu đong đưa quyến rũ của cây tây ban cầm, như vẫn muốn “Anh đàn, em hát…Níu xuân xanh” theo lời thơ Hoàng Cầm và nốt nhạc Phạm Duy, thật hợp với câu “trẻ tại tâm” như người đời thường nói.
Ngoài những mục bạn bè thay nhau rủ rê họp mặt, khi mở “i-meo” lại thấy liên tục những lời nhắn, lời kêu gọi của anh Nguyễn Đức Hiền, anh Huỳnh Thông Thái gửi đến bạn đồng khóa 63D/KQ về chương trình họp mặt kỷ niệm 46 năm nhập ngũ mà các anh gọi là “tuổi vào đời” vào ngày đầu tháng bẩy 2009.
Sau lần họp mặt vào ngày đầu tháng bẩy năm 2007 tại San Jose, các anh hẹn nhau cứ hai năm tổ chức một lần, nhưng hẹn là một chuyện, có ai tình nguyện đứng ra tổ chức lại là chuyện khác.
Nhờ mạng lưới “Google” anh Thái đã tìm cách “cắm dùi, lấn đất dành dân”, kiếm được một góc giăng màn lưới nhỏ, kéo cờ hiệu 63d (k63d Blogspot), mang hình ảnh một con “dzê” ngạo nghễ đứng nhìn nhân gian như thách thức, sẵn sàng so tài húc càn đấu sức. Anh dựng “blogspot” này thành một diễn đàn để các bạn cùng khóa và bạn hữu cư ngụ khắp chốn trên dương gian theo dõi sinh hoạt và liên lạc. Anh kêu gọi lời tình nguyện tổ chức nhưng rồi vẫn không có ai đứng ra làm việc này, anh lại thúc dục các bạn đề nghị điạ điểm để tổ chức rồi sẽ lấy ý kiến chung, nơi nào được nhiều bạn tán thành là nơi ấy sẽ phải tổ chức.
Nhiều anh đề nghị trở lại San Jose nhưng năm 2007 đã tổ chức tại đây, cần địa điểm mới để thay đổi không khí. Đức lang quân nhà tôi đề nghị tổ chức tại Sàigòn nhỏ, nơi quận Cam vì nơi đây có một số đông bạn cùng khóa cư ngụ, có nhiều bàn tay cùng chung sức, việc tổ chức sẽ dễ dàng hơn. Ngoài ra, nơi đây cũng là địa điểm thuận tiện để các bạn có dịp gặp lại nhiều bạn đồng ngũ hoặc cùng đơn vị ngày xưa vì mỗi đầu tháng bẩy hàng năm, qúy “CaCu” lưu lạc khắp bốn phương tám hướng về tụ họp, chung vui hội ngộ. Nào là Đêm Không Gian Hội Ngộ kỷ niệm ngày Không lực của Hội KQ miền Trung Cali; họp mặt qúy bô lão KQ; họp mặt của gia đình KTTV/KQ và còn nhiều mục họp mặt của nhiểu Khóa, nhiều phi đoàn khác nữa.
Thấy có vẻ hấp dẫn, hầu hết điện thư gửi về đều tán thành địa điểm Sàigòn nhỏ nơi quận Cam, nơi dây có qúy anh Lưong Ngọc Anh, Mai Văn Chớ, Nguyễn Đức Hiền, Đinh Sinh Long, Vũ Tòng Lôc, Phạm Quang Minh, Lý Trực Ninh, Vũ Viết Qúy, Hồng Khắc San, Hồ Vĩnh Thủy, Nguyễn Văn Thạch, Trần Ngọc Thạnh, Võ Hoàng Thanh, Nguyễn Thanh Tùng, lực lượng hùng hậu như thế này tất nhiên phải dễ dàng thành công.
Khi cần một người đứng đầu tổ chức, anh nào cũng khiêm nhường, do dự. Cuối cùng anh Nguyễn Đức Hiền tình nguyện, như vậy là buổi họp mặt năm 2009 đã bắt đầu thành hình như qúy anh mong đợi.
Thời gian qua mau, anh Hiền bắt tay vào việc, liên tục thông tin cùng các bạn về chương trình, về diễn tiến điều hành. Anh Huỳnh Thông Thái phụ giúp anh Hiền trong việc thông tin, cổ động, thúc dục bạn hữu ghi danh giữ chỗ.
Người đầu tiên ghi danh vẫn là anh Trần Minh Bạch, húy danh Bạch Đen, ông Hoàng Norodom. Tôi còn nhớ lần tổ chức họp mặt 2007, anh Bạch là người ghi tên đầu tiên và tôi hơi ngạc nhiên khi nghe bạn anh gọi anh qua nhiều húy danh nhưng rồi được đức lang quân giải thích và đã gặp anh cùng nàng Hương trong buổi họp mặt 2007, tôi hỏi đùa tại sao anh có nhiều tên cúng cơm như vậy, anh -nở nụ cười dễ dãi, xua tay:
- Đưọc dịp gặp lại bạn bè cũ sau bao năm xa cách như thế này là vui rồi, tụi nó muốn gán cho tôi danh hiệu gì cũng được, chị đừng để ý cho bận tâm.
Thấy anh vui nhận những danh xưng bạn bè gán cho và sau một lần gặp đã thành thân quen nhờ vậy tôi mới bớt ngại ngùng khi nhắc lại.
Dường như qúy anh trong Khóa 63D đã hiểu nỗi vất vả, khó khăn của người tổ chức, nhờ vậy việc ghi danh giữ chỗ và đóng góp rất nhanh chóng, ngoài ra còn mời thêm bạn hữu tham dự cho đông vui. Anh Hiền rất vui và hài lòng vì bạn bè đã đáp lời tình nguyện và kêu gọi của anh, bây giờ anh chỉ còn lo đến chi tiết cho buổi họp mặt dự trù kéo dài trong ba ngày.
Qúy anh vẫn thường nhắc nhở đến ngày 1-7-1963, ngày qúy anh nhập trại Tân Sơn Nhất, như một dấu tích thời gian đã hằn sâu vào trí nhớ cho khúc quanh của một đời người. Nhắc đến với âm vang của một niềm tự tin, niềm hãnh diện và hài lòng với quyết định một hướng đi cho chính mình, cùng chung một tâm tình, một lý tưởng như anh Nguyễn Tiến Thành đã thơ mộng hóa bước đi như đường vào “Lối Mộng” khi anh thực hiện tập san kỷ niệm 40 năm cho Khóa 61/KQ.

Đã từ lâu lắm rồi tôi mới có dịp tháp tùng đức lang quân trở lại quận Cam. Nắng hè nam Cali cũng chói chang như mầu nắng Sàigòn ngày nào, khu Sàigòn Nhỏ đông người qua lại, những bảng hiệu quen thuộc của thành phố ngày xưa dựng lên khắp nơi như muốn xác nhận sự hiện hữu sau lần thoát khỏi một thành phố đã mất tên.
Tất cả những hình ảnh cũ chỉ còn trong tiềm thức, tôi không biết Sàigòn bây giờ ra sao vì đã trên ba mươi năm qua chưa hề trở lại, chỉ được nghe bạn bè đi về kể lại cho nghe những thay đổi từ đường phố đến con người Sàigòn mới, nhưng chỉ biết nghe mà không thể hình dung, không một cảm súc rung động.
Tháp tùng đức lang quân đi quận Cam lần này, tôi lại có thêm hy vọng sẽ gặp một số bạn học ngày xưa mà mỗi lần nói chuyện qua điện thoại chúng tôi chỉ biết hứa suông trước khi gác máy “…hẹn gặp nhau ngày gần đây…”, lời hẹn hững hờ cho một tương lai vô định!
Lần này nghe tin tôi sẽ tháp tùng đức lang quân đi quận Cam, lũ bạn liên tục gọi điện thoại hẹn hò, chưa biết chương trình sinh hoạt ra sao mà lũ bạn đã vội vã phác họa một thời khóa biểu xôm tụ, bận rộn cho tôi rồi.
Dự trù sẽ lưu lại quận Cam gần một tuần, tôi xin đức lang quân dành cho tôi một ngày để tôi có dịp gặp lại bạn cũ, chàng hỏi tôi tại sao không mời các bạn của tôi cùng đến dự dạ tiệc đêm họp mặt. Thấy ý kiến của chàng hợp lý và chắc ăn hơn vì kinh nghiệm cho thấy mỗi khi các chàng có dịp đàn đúm tụ tập là các chàng quên hết thời gian và những gì chung quanh. Tôi liền gọi bạn bè mời mọc, hẹn hò, rất may là tất cả đều nhận lời. Như vậy tôi vừa có dịp gặp lại các bạn trong một cuộc vui mà vừa có điểm với anh Hiền vì đã mời thêm được bạn hữu cùng dự như anh vẫn thường nhắc nhở.

Buổi họp mặt năm nay, ngày 1-7, lại rơi vào ngày giữa tuần nhưng qúy anh vẫn cử hành đúng ngày như muốn giữ một mốc điểm thời gian thiêng liêng không thể du di, thay đổi, không cần đợi chờ ngày cuối tuần. Chương trình ba ngày họp mặt liên tiếp, buổi đầu vẫn mang danh là “tiền hội ngộ”, có anh lại muốn dùng hai chữ “tiền phi” như vẫn còn nhớ đến công việc phải làm trước khi xuất trận trong qúa khứ.
Có lẽ đây là buổi vui nhộn nhất trong ba ngày, chỉ có bạn cùng khóa tự do tận hưởng niềm vui, thể hiện tình cảm giữa bạn bè mà không phải giữ ý, không sợ phiền hà đến quan khách hay thân hữu như buổi họp mặt chính thức.
Nhớ lại lần đầu họp mặt tại San Jose cách đây hai năm, nhìn cảnh qúy anh cười nói, ôm vai quàng cổ sau giây lát ngỡ ngàng moi trí óc tìm lại hình ảnh và danh xưng của người bạn trước mặt vì sau nhiều năm xa cách vóc dáng mỗi người đều thay đổi theo tuổi đời.
Hầu hết qúy anh lại trở về đoàn tụ trong dịp này, không gặp cảnh ngỡ ngàng, ngượng ngùng lúc chưa nhận ra nhau như hai năm trước đây, nhưng tình cảm thân thương vẫn thể hiện tràn đầy, vẫn những nụ cười nở rộng, bàn tay nắm chặt kéo nhau lại gần như muốn kéo khoảng thời gian xa cách ngắn lại.
Nhân dịp này tôi được gặp lại qúy nàng dâu 63D mà tôi đã hân hạnh được gặp cách đây hai năm. Sau lần gặp đầu đã trở thành thân quen, vẫn dành cho nhau những cảm tình nồng hậu, gần gũi gia đình. Gặp nhau qúy nàng cũng vui nhộn không kém gì qúy CaCu lang quân, tận hưởng những giây phút xum họp bạn bè.

Dù buổi họp mặt chính thức là ngày thường trong tuần nhưng quan khách và bạn hữu tham dự đông đủ, chiếm trọn nhà hàng Royal, vô tình tên nhà hàng này lại hợp với danh hiệu “Hoàng gia 63Dzê” mà anh Thái đã xưng hô với bạn cùng khoá trong “k63blogspot”.
Đức lang quân cùng tôi đến nhà hàng đúng giờ như đã hẹn, tự nghĩ như vậy là sớm nhưng khi đến nơi khách mời và bạn hữu đã nhôn nhao hiện diện. Thấy bàn tiếp tân bỏ trống, tôi tình nguyện vào bàn giúp anh Hiền trong việc đón tiếp, chỉ dẫn chỗ ngồi cho quan khách và bạn hữu tham dự. Đang lo vì một mình không làm kịp mọi chuyện thì chị Lê Hải xuất hiện, tôi liền kéo chị vào bàn phụ giúp, thế là tôi yên tâm có bạn cùng làm.
Anh Hiền trao cho tôi một hộp gồm nhiều phong bì xếp theo thứ tự bàn ngồi, ngoài phong bì có ghi danh người chịu trách nhiệm từng bàn, chị Hải cùng tôi chỉ trao phong bì cho người trách nhiệm là xong nhiệm vụ.
Được biết, anh Hiền đã tận dụng “hi-tech” qua blogspot do anh Thái sáng lập để phân chia công tác trong ban tổ chức, để thông tin với bạn hữu về địa điểm, thởi gian và chỗ ngồi cho từng người vì vậy ai nấy đã biết mình ngồi bàn nào, ngồi với ai, phong bì tôi trao cho người đại diện chỉ là những bảng tên để nhận diện.
Việc làm có tổ chức, có hoạch định từ tổng quát đến chi tiết như anh Hiền đã làm qủa là hữu hiệu, giảm bớt những bận rộn, lúng túng trong việc tiếp tân. Tôi tin chắc qúy anh chị trong gia đình Khóa 63D rất cám ơn và hài lòng với việc làm của anh Hiền. Có nhiều anh quen miệng gọi là “Hiền điên” nhưng đức lang quân nhà tôi lại thường nghĩ khác, chàng lẩm bẩm:
- Điên cái nỗi gì, nó khôn bỏ bu đi ấy chứ! Cứ nhìn cách cư xử và việc làm chín chắn thì thấy. Nhưng nó khôn vì biết nghe lời cố vấn đứng cạnh nó, bà xã Kiêm Liên của nó. Bả hoạt bát, tính toán nhanh nhẹn trong mọi việc, đã khen nó thì phải khen bà Kiêm Liên trước…
Chàng nói có lý, nhưng việc làm của qúy ông thì tôi nghĩ chỉ nên khen qúy ông, vơ chị Kiêm Liên vào lại sợ mang tiếng là tôi luôn tranh phần, lấy điểm cho giới phụ nữ chúng tôi trước!

Giờ khai mạc sắp tới mà trong nhóm bạn tôi mời vẫn còn thiếu một nàng. Tôi thấp thỏm mong đợi, đi ra đi vào như chờ đợi một người tình! Mãi rồi cô nàng cũng hớt hải xuất hiện, ôm chầm lấy tôi liên tục phân trần xin lỗi. Cô nàng nói đã đến sớm, tưởng chỉ là buổi họp mặt bình thường nên không chú ý đến y phục, nhưng đến nơi, thấy ai nấy sắc phục dạ hội lịch lãm nên cô nàng vội trở về nhà thay đổi trang phục cho hợp.
Tôi mắng yêu là cô nàng giữ “lễ nghĩa” cẩn thận qúa, cô nàng xua tay phân trần:
- Mình phải giữ phép lịch sự chứ, qúy ông Không quân luôn chứng tỏ là những người lịch lãm, sành điệu, chẳng thế mà người đời vẫn thường nói đến qúy ông Không quân là lớp người bay bướm, lúc nào cũng giữ được cung cách “vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” như chàng họ Kim trong truyện Kiều đó sao?..
Tôi không ngờ đến giờ phút này cô nàng còn đơn cử được câu thơ trong truyện Kiều, dùng “phong thư, tài mạo” của Kim Trọng để so sánh với qúy ông CaCu. Có lẽ khi nghe cô bạn tôi ca tụng, qúy ông lại mỉm cười thích thú, mũi nở phồng muốn nổ như tiếng động cơ!
Lâu ngày mới có dịp gặp nhau, lũ bạn cùng tôi mải miết chuyện trò như để đền bù cho những lần hẹn mà không gặp. Đang mải vui trong tiếng nói cười, chợt một giộng ấm áp, dõng dạc của người điều khiển chương trình cất cao như cố lấn át tiếng ồn ào.
Nhin về khán đài, anh Đinh Sinh Long đang cố dùng hết nghệ thuật, ngôn từ để mọi người chú ý, ngưng nhộn nhịp để vào chương trình chính thức cho buổi họp mặt.
Ở những buổi họp mặt như thế này, vì đã gọi là “buổi họp mặt” thì nhiều khi người tham dự mải mê say với câu chuyện, với tiếng vui đùa mà quên đi cả những diễn biến chung quanh, thật khó tránh khỏi cảnh nhộn nhịp, ồn ào.
Tôi ra dấu, lũ bạn hiểu ý ngưng cười đùa. Trên khán đài anh Long vẫn kiên nhẫn tìm cách cho đám đông chú ý đến lời kêu gọi của anh, tiếng cười nói bớt dần, ai nấy giờ đây yên lặng chăm chú lắng nghe lời mở đầu chào mừng quan khách và bạn hữu tham dự cùng lý do có buổi họp mặt.
Cảnh nhộn nhịp, ồn ào hoàn toàn lắng đọng khi anh Long bước vào phần nghi lễ. không khí tưng bừng náo nhiệt vừa qua, bây giờ trở nên giây phút thiêng liêng, nhiệm mầu. Quốc thiều Mỹ, Việt trổi lên hùng tráng như nhắc nhở mỗi người. Mặc dù đã nhiều lần qua nghi lễ như thế này, nhưng mỗi khi nghe lại âm vang mạnh bạo của bản quốc thiều trổi lên, một cảm xúc khác lạ như tiếng vọng từ không trung cất lời nhắn nhủ.
Phần mặc niệm vẫn là giây phút dâng dòng tình cảm, xúc động tuyệt độ. Hòa trong tiếng kèn đồng, tiếng sáo não nuột như những lời an ủi, tiễn đưa, anh Long từ tốn xướng danh những người bạn đồng khóa đã hy sinh, đã lìa xa cõi trần. Anh Long tiếp tục xướng danh từng tên người bạn, đôi lúc ngập ngừng như cố lấn át nỗi xúc động chợt đến, khắp hội trường yên lặng như nín thở. Rồi anh ngừng đọc, yên lặng cúi đầu, tiếng sáo cất vang điệu não nuột như thay cho lời tiếc thương buồn thảm mà anh và những người hiện diện cùng chung một lời khấn nguyện.
Qua giây phút ngột ngạt cho một nỗi tiếc thương, hội trường trở lại với sinh hoạt bình thường. Mấy cô bạn tôi vừa kín đáo đưa khăn thấm bờ mi vừa trầm trồ khen ngợi nghi lễ mở đầu trang nghiêm và ý nghĩa qúa, nhất là phần mặc niệm với tiếng kèn đồng, tiếng sáo pha lẫn, nổi lên như mê hoặc lòng người, đưa dòng tình cảm và nỗi xúc động nghẹn ngào, phải cố trấn át để trốn dòng lệ rơi.
Anh Long đã hòa hợp hai âm điệu của “Taps” và “Chiêu Hồn Tử Sĩ” để tạo âm thanh truy điệu những người bạn đồng khóa đã qúa vãng trong phút mặc niệm một cách rất nghệ thuật.
Ở phút mặc niệm lần này, dù những tình cảm, những tiếc thương vẫn tràn đầy ấp ủ nhưng dường như qúy anh bình tĩnh hơn lần họp mặt cách đây hai năm tại San Jose.
Tôi không thể quên được hình ảnh anh Võ Huỳnh Ánh, là người mở đầu xướng danh truy điệu những người bạn qúa cố, nhưng dường như nỗi nghẹn ngào như chợt lấp kín khí quản khiến anh khựng lại trong giây lát. Anh ngửa mặt lên như cầu cứu, thở một hơi dài rồi mới run run cất tiếng xướng tên những người bạn đã vị nước vong thân.
Dù cũng xúc động nghẹn ngào tôi vẫn cố quan sát phản ứng của những người chung quanh, dường như không một ai có thể cầm lòng, những giọt nước mắt long lanh ướt bờ mi, chập chừng lăn trên gò má mà qúy anh đã không vội giấu, không vội lau, những giọt nước mắt tự nhiên, thoát từ đáy lòng.
Anh Hiền đã chọn anh Long vào chân “MC” lần này đúng là biết chọn mặt gửi vàng. Được một cựu quan Chiến tranh chính trị, cựu chủ bút tập san Lý Tưởng KQ, với dáng dấp nghệ sĩ, giọng nói đầm ấm, ngôn từ lịch thiệp, điều khiển chương trình khoan thai, mạch lạc.
Rồi đến màn qúy anh đồng ca Không Quân Hành Khúc, màn này đã thành một màn “phải có” của bất cứ một buổi họp nào của Không Quân, nhưng lần này tôi nhận thấy là lần đầu tiên qúy anh đã đưa cả tâm hồn vào lời ca nhịp nhàng, hùng mạnh, âm thanh vang dội chiếm ngự sự chú ý của toàn hội trường.
Đây là một điểm son, bạn hữu ngoài Không quân như mấy cô bạn tôi rất khâm phục lối tổ chức trang trọng, lịch lãm của Không quân, dù đây chỉ là tổ chức của một Khóa.

Nhà hàng Paracel, nhà hàng Royal trở thành câu lạc bộ các anh dùng “cơm bữa” trong chương trình ba ngày đoàn tụ, nhưng không thể nào có được kỷ niệm và hương vị của câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc ngày xưa mà qúy anh vẫn thường hay nhắc đến.
Ba ngày họp mặt dường như vẫn chưa đủ cho những ngày tháng hẹn hò, thông tin qua lại trên mạng lưới trời vô hình. Bằng chứng là ngay sau bữa điểm tâm chia tay, gọi là bữa điểm tâm nhưng thực sự kéo dài từ sáng đến trưa, anh chị Lý Trực Ninh có nhã ý mời tất cả đến tư gia dể tiếp tục hàn huyên và thưởng thức món ăn Huế do chính tay chị Ninh nấu nướng. Một vài người còn ngại ngùng vì sợ làm phiền gia chủ nhưng anh chị Ninh khẩn khoản qúa không ai có thể từ chối được vì vừa qúy tình bạn, vừa ham vui nên tất cả mọi người cùng kéo đến nhà anh chị Ninh.
Tôi nghĩ chị Ninh chỉ sửa soạn một vài món Huế đặc biệt nhưng không ngờ có tới bẩy hoặc tám món, thịnh soạn như một đại tiệc. Vừa xong bữa sáng bữa trưa dồn dịch, ai nấy tưởng không thể nào tiếp tục ăn thêm nhưng rồi câu chuyện còn dài, món ăn hấp dẫn, cuối cùng bàn “đại tiệc” cũng được tiêu thụ sạch sẽ. Món Huế qúa ngon, qúa đặc biệt khiến tôi phải đặt chị Ninh làm cho tôi mấy món tôi thích nhất để mang về nhà tại Bắc Cali làm qùa trong gia đình. Xin một lần nữa gửi lời đến cám ơn chị Hồng, anh Ninh đã tiếp tục nối tiếp niềm vui với tình bạn tuyệt đối.

Buổi họp mặt lần này dù không đầy đủ mọi người của lần trước nhưng tôi nhận thấy có bốn khuôn mặt mới là anh Vũ Tòng Lộc, anh Phạm Đăng Luân, anh Nguyễn Kim Năm và anh Nguyễn Mai Thọ.
Ngoài ra, lần này anh Hiền còn hãnh diện khoe với bạn cùng khóa là đã mời được vị khách danh dự là cựu Đại tá Đinh Thế Truyền, vị chỉ huy các anh đã có một thời gian gần gũi tại Trung tâm huấn luyện Nha Trang. Dù đã cao niên nhưng cả hai ông bà cùng nhận lời đến chung vui, hai ông bà trông thật phúc hậu.
Quan sát cảnh qúy anh tiếp đón vị cựu chỉ huy, cử chỉ gần gũi, qúy trọng, kính mến đã thể hiện tình Huynh Đệ Chi Binh không phải chỉ qua lời nói mà còn qua cử chỉ và việc làm điển hình.

Đã nhiều niềm vui đến với ba ngày họp mặt nhưng dường như đôi lúc qúy anh đã không thoát khỏi những suy nghĩ bi quan dày vò mỗi khi nhắc đến bạn bè cùng khóa, kẻ còn người mất để rồi lại nhắc nhở nhau cố giữ chu kỳ họp mặt để có lúc hội họp, gặp lại nhau, chỉ cần nhìn thấy nhau nở một nụ cười, những bàn tay cùng nhau nắm chặt cũng đủ niềm vui thay thế cho khoảng cách của cuộc sống riêng tư.
Qua những lần cùng được tham dự những buổi họp mặt như thế này tôi nhận thấy, dù qúy anh là những người từ nhiều phương nhưng khi hợp lại thành một Khóa học, qúy anh đã giữ và mang chung một kỷ niệm trong tình bạn thật đáng yêu, đáng kính. Mong rằng những tình thân bạn bè ấy vẫn là nguyên nhân để qúy anh tiếp tục gặp nhau trên đường đời như ý muốn.


nhã dung


SVSQ KQ Khóa 63D Hội Ngộ (7/2009) - Thiều quang Diêu


Tạp ghi

SVSQ KQ Khóa 63D Hội Ngộ (7/2009)


Cua Đinh

Tôi còn nhớ 2 năm về trước, sau cuộc họp mặt năm 2007; vài anh em nào đó đã đề nghị: Khoá 63 Dzê của mình sẽ họp lần tới vào năm 2009 nghe tụi bây! Tưởng nói cho vui rồi bỏ, tưởng nói chơi ai dè mần thiệt! Quả đúng y “sấm truyền”: kỳ Họp Khoá SVSQ Không Quân 63D lần thứ 3 được tổ chức vào đầu tháng 7 /09 vừa qua tại Orange County. Do bạn Nguyễn Đức Hiền xung phong lãnh trọng trách làm Trưởng ban Tổ chức, với sự hổ trợ của anh em cùng khoá vùng Nam Cali.
Cần phải kể lể chút đỉnh cho rõ nguồn cơn. Sự thực người có công đầu trong việc gợi ý, kêu gọi, liên lạc với anh em, đồng thời tìm địa điểm thích hợp được đa số tán đồng cho 3 ngày Họp Khoá; đích thị là anh Huỳnh Thông Thái (người có biệt danh là “Chị Bảy”) và chính anh “dám đốc” cũng như ngon ngọt xúi anh Hiền nai lưng ra “vác cái ngà voi” nầy.
Sợ nói ba điều bốn chuyện rồi quên, sẵn đây tôi xin giải thích ngay nick name chị Bảy, kẻo nhiều bạn không ở trong gia đình 63D không biết, lại tưởng đâu anh Thái là “bóng”. Không phải vậy đâu ạ, lầm chết à, “mọi thứ” của hắn là... thầy chạy đấy! Anh mang danh nầy vì khi xưa đi bay quan sát, lúc rà sát trên đầu quân bạn, thì máy bay bị chảy thủy điều (hydraulic) nên quân bạn thấy lấm tấm những giọt đỏ hoét. Anh giả giọng eo éo như con gái, báo rằng hôm nay là ngày red-day, vì thương anh em Bộ-binh và vì sự an nguy của mấy anh, nên em ráng bay cover cho mấy anh. Khổ nỗi, bây giờ nó... ọc ra nhiều quá, chịu hết nỗi rồi, cho em xin chào giã từ quý anh, để em về làm vệ sinh cho sạch sẽ nha! Ngoài ra bạn Thái nhà ta cũng có dáng đi hơi... “xàng xê” một xí, nên được anh Võ Quang Thẫm (Thẫm Cò nhan, 62C) đặt cho cái tên “Chị Bảy”, thế là dính luôn tới bây giờ!
Nhớ lại trong thời gian chuẩn bị, thường hay trao đổi phone qua lại với Thái, tôi cũng lo âu: không biết có bạn nào chịu đứng ra làm chủ xị không, thì được chị Bảy Thái trấn an:
- Chuyện nhỏ, đừng có lo! Tao đã đề nghị và thằng “Hiền điên” nhận lời rồi! Cái gì khác nó còn dám làm, sá gì chuyện nầy nó đâu có ngán, nó “điên” mà mậy! OK ? Rồi phần bọn mình là làm sao hú gọi cái đám Dzê về dự càng đông là càng tốt nghe!
Tôi cười thầm ngẫm nghĩ: mang danh “Hiền điên” mà là Pilot F5, một cánh gió siêu thanh, ăn nói thẳng thừng, tánh tình bộc trực, nhậu rượu mạnh dễ… tè luôn, thường xung phong không ngại khó, ngại khổ… thì thử hỏi dễ có mấy tay “điên” như anh bạn Hiền nầy?
Bạn Thái được giao cho nhiệm vụ thông tin và cổ động. Anh chàng nầy tuổi cũng tới mí chiếu… cổ lai hy rồi, mà vẫn còn minh mẩn sáng suốt, bầu nhiệt huyết tràn đầy, anh đã tạo ra một Blog riêng cho Khoá 63D, để có nơi anh em trao đổi tin tức, chia vui xẻ ngọt thường ngày…; ngoài ra anh cũng thường gửi email cho anh em lắm! Nhưng khổ nỗi, cũng xin thưa thật ra đây là có một số Cụ có đầu óc… “bảo thủ” cực đoan, đã ráng sống đến thời buổi nầy mà không thèm “rớ” đến cái computer; nên “meo” còn không thấy nói chi đến blog; thành ra công tình của bạn Thái coi như… công cốc! Cuối cùng thấy bạn mình sao im lặng vô tuyến mãi, nên sinh nghi, bèn dò la tìm số phone mà gọi, lúc ấy bật ngửa thì ra: mấy Cụ nhà ta có hay biết gì đâu! Giận thì giận mà thương, tội nghiệp! Đành phải báo miệng thôi!
Mấy tháng trời trên trang Blog anh em bàn tán nhộn nhịp, Nguyễn Đức Hiền, Trưởng ban Tổ Chức xúc tiến phân công và đi “thực tế” đến mấy nhà hàng để ăn thử, và kén chọn nhà hàng nào xịn-xịn, để tương xứng với danh xưng tự phong của Khoá là “Hoàng Gia 63D”. Còn nhà hàng nào “xệ” quá, bỏ qua dùm kẻo anh em chửi, chứ hổng phải dễ đâu à! Hiền nhà ta lo sốt vó muốn điên lên, gửi mail và phone tùm lum kêu gọi anh em ghi danh sớm sớm dùm một chút, mà nhiều anh cũng lề mề, cà rịt cà tang, chỉ hứa miệng, chứ chẳng chịu danh đề bảng hổ và đóng tiền liền, cho người ta tiện việc sổ sách! Rõ khổ!
Nhiều lúc tôi phải mở miệng hăm doạ mấy ông bạn thân: Tụi mầy liệu hồn đó, để thằng Hiền nó nổi điên lên là nó thẻo… tụi bây ráng chịu, chứ tao không dám can à nghe! Có lẽ nhờ hăm he như vậy, nên gần tháng chót nghe Hiền tỉnh táo, vui vẻ thông báo là tụi nó về tham dự gần hết, cộng thêm bằng hữu được hơn 21 bàn rồi! Đủ túc số yêu cầu của nhà hàng, vậy là Trưởng ban Hiền hổng còn sợ lỗ nữa!
Phần tôi, mỗi lần có dịp xuống Nam Cali, vùng Sài Gòn Nhỏ, là tôi được gia đình 2 ông bạn vàng đón về nhà ở, và chăm lo từ A đến Z cực kỳ chu đáo, rất thân tình. Đó là anh chị Nguyễn Thanh Tùng (Tùng lỏi), bạn cùng khoá; và anh chị Phạm Thành Quới (Cả Quới) khoá 63G. Nơi đây và bây giờ tôi không dám dùng chữ Cám Ơn quý anh chị, vì thấy rằng 2 tiếng đó chưa đủ, mà lại có vẻ khách sáo quá, nên đành làm im cho thông qua vậy nghe chư huynh.
Kỳ nầy cũng vậy, yên chí nơi đến có bạn ta chờ sẵn đón đưa rồi, nên tôi thơ thới hân hoan đến phi trường Bush (Houston) sáng ngày 30/6/2009 để đón máy bay đi Cali cho những ngày Họp Khoá 1, 2 và 3/07/2009! Tại đây tôi lại gặp anh chị Nguyễn Minh Đức (tự Đức Cào) từ Georgia, chuyển qua cùng chuyến bay cũng trên đường qua Cali phó hội!
Đến phi trường Santa Ana khoảng 11AM, đã hẹn gặp vợ chồng anh Huỳnh Liên (không phải nhà tướng số đâu nghe, mà tên trùng y chang như vậy!) đến từ Oregan, chúng tôi được anh Nguyễn Thanh Tùng đến đón về nhà ở và nuôi ăn suốt thời gian nầy!
Suốt cả đêm đầu tiên ở nhà anh chị Tùng không ngủ, vì lạ giường hay cớ chi mà mắt ráo hoảnh, chắc là nôn nao mau sáng, để chiều mai gặp bạn bè trong ngày:

Tiền Hội Ngộ (Tiền Phi) :

Trời Cali nóng toé lửa! Đã đi sớm mà vì kẹt xe nên từ nhà anh chị Tùng ở Ocean Side, chúng tôi đến nhà hàng Paracel Seafood cũng vừa đúng 6PM. Vừa đến thềm nhà hàng là gặp bạn Phạm Đăng Luân, áo pull vàng tay ngắn, quần tây. Đây là lần đầu Luân đi họp khoá, nghe đồn bạn ta bây giờ cũng là một Đại Gia, về sống ở Sài Gòn trong một biệt thự, có xe hơi và ngày ngày cứ xách vợt đánh tennis thôi! Nhờ vậy nên trán không hằn những nếp nhăn của năm tháng già nua và bươn chải gạo tiền. Nhận ra bạn ngay, mặt mày rạng rỡ cười tươi, không khác khi xưa bao nhiêu, dù lâu lắm rồi, tôi nhớ chỉ một lần gặp mặt khoảng năm 1965. Cũng như nghe bạn làm Phi Đoàn Trưởng 219, mà cũng không có dịp gặp để uống rượu mừng!
Bước vào bên trong, ôi thôi vui quá là vui, ồn ào hết biết! Nghe gọi tên lia lịa, rồi mầy tao búa sua, tay bắt mặt mừng, cười nói râm ran… Thấy hầu như gần đủ những khuôn mặt cũ của kỳ họp Khoá lần nhì 07/ 2007. Hơn nữa giờ sau, sự ồn ào sôi nổi lắng xuống, cái xôn xao có lúc trào lên như sóng vỗ cũng dịu đi. Bởi anh bạn MC Vũ Ngô Dũng cầm micro leo lên bục bắt đầu phát thanh; chỉ nhờ có thế những người hùng năm xưa và giai nhân mới chịu ngồi vào bàn yên chỗ.
Nhìn phu quân của chị Nhã Dung là anh Vũ Ngô Dũng “cố đạo” với mái tóc bạch kim, dáng vóc vẫn phương phi tráng kiện, lưng thẳng, gương mặt trẻ hơn tuổi đời cỡ 10 năm, miệng cười cười, đang lưu loát lên bỗng xuống trầm điều hợp chương trình, nhắc lại vài kỷ niệm xưa và mời gọi anh em có gì vui lạ cứ đóng góp, hoặc có lời tâm tình gì muốn trao gửi cứ tự nhiên cho và xen kẽ. Anh giới thiệu những lời ca tiếng hát của anh chị em trong gia đình 63D cho nhau nghe. Tôi không chú tâm lắng nghe, nên thật sự chẳng nhớ chi tiết, lớp lang gì cả; mà tôi đang xoay người nhìn khắp lượt, quan sát mọi bàn xem có gì khác hơn 2 năm trước không…
À! Thì ra có đấy… Trước hết là thấy Thiếu:
-- Bạn Lê Tấn Thinh vừa mổ tim còn yếu nên không về tham dự được, anh em có mong, nhưng không dám đốc thúc vì còn nhớ Thinh bị xỉu (đúng ra là Stroke nhẹ) trước giờ khai mạc ngày Họp chánh tại nhà hàng Thành Được trên San Jose kỳ trước! Phải gọi emergency đưa Thinh vào nhà thương! Báo hại làm anh em lo bấn xúc xích!
- Nhớ bạn Khưu Văn Phát, cựu Hội Trưởng Không Lực, ngày nào còn thấy bắp tay và ngực nở do tập tạ, mà không ai ngờ ra đi mới mấy tháng qua, vì mấy mục u quái ác trong ruột già; bạn mình không lướt qua nổi, để về dự hôm nay! Bởi vậy trong lứa tuổi nầy không ai dám hứa hẹn gì trước cả, thấy đó, mất đó! Tôi thường nghe nhưng không hiểu tròn ý nghĩa câu: “Sắc sắc không không” có phải là đây không, mà sao lòng vương lên nỗi buồn man mác!
-- Một số bạn bận việc riêng, kẹt vào giờ chót không có mặt, đành chịu thất hứa như các anh: Nguyễn Kim Hồng, Nguyễn Công Bắc, Hà Văn Hoà, Bạch Diễn Sơn… À còn thiếu Nguyễn Văn Ghi, Cẩm Văn Hoành nữa chứ, đó là chưa kể dân Houston là Giang Văn Thành, Tony Cổn và Đinh Tuấn cũng chẳng thấy đâu!
Tôi cố dõi mắt tìm với hy vọng mong manh là giờ chót sẽ có mặt chị Bảy Huỳnh Thông Thái và phu nhân Yến, nhưng cũng không thấy! Đây cũng là chuyện không vui, nặng mang nỗi chua xót, ray rứt trong lòng của anh chị em cùng khoá. Nguyên nhân cũng là 2 chữ “không ngờ ”. Số là: bạn Huỳnh Thông Thái rất sốt sắng, nhiệt tình về vụ Họp Khoá, anh đã dựng nên Blog 63D, để thông báo tin tức và anh em thường xuyên liên lạc với nhau! Vài tháng gần đây cũng trên trang web nầy, vắng đi những lời bông đùa bỡn cợt với anh em, mà thay vào đó là thông báo hằng ngày về tình trạng sức khoẻ của vợ anh trong thời kỳ vô phương cứu chữa! “Không ngờ” ở chỗ là chứng bệnh vừa phát hiện, nhưng nó lại phát tác rất nhanh, nhanh đến độ chị cảm nhận được và chị rất bình thản chấp nhận, đi đến quyết định dành sức lực những ngày còn lại vui vẻ bên chồng, con, cháu ngoại; chứ kiên quyết không chịu chạy Chemo, vì chị hiểu dược chất càng làm mất sức sớm, chứ không có hiệu quả gì ở giai đoạn nầy! Thật trái ngược với bề ngoài của một phụ nữa duyên dáng, hiền từ, ít nói, hoà nhã với mọi người và qua vóc dáng mảnh mai, thướt tha như tơ liễu, nhưng bên trong là một con người đầy nghị lực, ý chí cứng rắn, bình thản xử thế đâu khác gì một triết nhân:
Tri túc tiện túc hà thời túc
Tri nhàn đãi nhàn hà thời nhàn.
Tôi mạo muội diễn giải theo như trường hợp của chị cũng đúng lắm. Với tuổi đời gần thất thập, nên chị nghiệm thấy Trời cho như vậy cũng là đủ rồi, và chị nhận thức biết được bệnh trạng của của mình, nên chị rất an nhiên tự tại, sống nhàn nhã không lo rầu gì cả, vẫn cười vui với bằng hữu và gia đình. Đó! Chị đang sống theo cái “Nhàn” và cái “Đủ” triết nhân đấy. Có mấy ai được như chị? Xin nghiêng mình ngưỡng mộ và khâm phục chị, chị Yến!
Cá nhân tôi thường hay vào trang web nầy để chọc ghẹo bạn bè và khuyấy động không khí cho tươi vui, trẻ trung; nhưng bây giờ tôi không còn “quậy ” mà chỉ len lén mở trang nầy ra, để xem chị có bị lên cơn đau nhức, ăn uống được không vậy thôi. Thái ơi! Tôi thinh lặng mà xót xa và thông cảm với bạn mình trong niềm đau câm nín…
Tôi biết bạn là con người tình cảm lắm, Thái ạ, sống có tình có nghĩa với anh em! Tôi cứ nhớ và thật tình chào thua với tâm khẩu phục, nể trọng bạn; nhất là khi nghe tin chị Hoa vợ Võ Huỳnh Ánh mất, anh bỏ sum họp gia đình ngày Tết , tức tốc bay sang Minnesotta, đại diện cho Khoá 63D, để chia buồn và an ủi bạn mình. Chắc hẳn điều ấy cũng khêu dậy, làm bùng cháy lên một ánh lửa của tình đồng môn đồng khoá, và để lại một nhúm than hồng sưởi ấm lòng bạn Ánh và gia đình; trong những đêm lạnh giá dưới 0 độ mùa Đông Minnesota! Ở trong một xã hội vật chất, kim tiền; hãy đốt đuốc giữa ban ngày thử tìm xem có được một người như Thái không?
Đến đây thế nào cũng có bạn khều vai nói nhỏ: Thôi đừng kể chuyện “u ám” nữa mi ơi! Xin vâng ạ! Vậy thì xin kể chuyện Thêm nghe vui hơn nha:
Thật tình mà nói thêm được “em mới” trong kỳ nầy chỉ có 4 móng chứ mấy! Đó là Vũ Tòng Lộc, Phạm Đăng Luân, Nguyễn Mai Thọ và Nguyễn Kim Năm. Còn dăm ba bạn mai danh ẩn tích vẫn tiếp tục diện bích và cấm khẩu chưa chịu lộ diện, nên đành để yên bạn mình, không nhắc đến! À quên, gia đình 63D có thêm một nàng dâu mới chị hiện sống trên Đà Lạt (Việt Nam) đó là chị Phan Văn Dũng theo qua dự họp khoá với chàng kỳ nầy! Phan Văn Dũng vẫn đẹp trai, trẻ trung như ngày nào, hàm râu trên vẫn dầy và đen nhánh (có nhuộm không?), đúng là bộ râu…“ăn tiền”, xem tướng thì biết bạn ăn nên “làm… ra” là nhờ nó đó nghe bạn! Tung tăng bên anh là nàng dâu mới, chị tươi trẻ, mặc chiếc áo kiểu màu trắng phía trước có hai hàng bông màu đậm chạy dọc xuống chiếc váy túm thật dài, thoạt trông có vẻ đẹp hồn nhiên như một nàng sơn nữ ở vùng cao. Hẳn chị cũng là một công chúa của ông Chúa tể nào trên Bảo Lộc, Lâm Đồng gì đây mới lọt vào mắt xanh của bạn Dũng tui! Đúng không? Anh chị quả là đẹp đôi, xin chúc phúc!
Một số thân hữu đến chung vui mà tôi biết mặt và nhớ như: anh chị Nguyễn Đạm Thuyên (62C) xuống từ Houston, ở Cali có anh Võ Quang Thẫm “cò nhan” 62C. Anh Dương Ngọc Ẩn (62B). Anh Nguyễn Đình Lộc, Phi Đoàn Trưởng 522 (62B). Niên Trưởng Phạm Quang Điềm, Phi Đoàn Trưởng 520, … Anh Nguyễn Đình Phương (63G). Anh Dương Thiệu Chí (64C)… Riêng anh Chí mập hơn xưa, tôi nhìn không ra, đến lúc anh tự xưng tên thì nhớ ngay anh chàng tiếu lâm nầy; một cây anh văn, dịch như chớp, tôi nhớ mãi bên bàn mạt chược ở câu Lạc Bộ Sĩ Quan (Bình Thuỷ), một anh nào đó vừa mó được quân bài ưng ý, “đã ”quá, buột miệng: Chí dịch liền. ! Cả bàn cười lộn ruột. Hiện thấy bạn Chí nhà ta… ú quá, mà hà cớ chi lại lấy nick name là “Thần Báo đói” không biết nữa?!
Bây giờ quay về nhìn trong bàn tiệc của mình, ngoài anh chị Nguyễn Thanh Tùng, anh chị Phạm Thành Quới, vợ chồng bác Huỳnh Liên, (kêu bác cho bạn ta “lên” lên một tí, vì bạn đã bước qua khỏi số 7 mấy năm nay rồi), còn có vợ chồng anh bạn Trần Minh Bạch từ Canada về dự. Tất cả quá thân coi như gà nhà cả! Thức ăn lần lượt 6 món mang ra, mọi người nâng ly rượu vang lên chúc mừng, ăn uống, cụng ly thoải mái và chuyện trò rôm rả!
Nói tên Trần Minh Bạch thì phải nói cho rõ; vì trong khoá tụi nầy có 2 tên Trần Minh Bạch, sinh cùng năm. Để phân biệt gọi là “Bạch trắng” và “Bạch đen” cho tiện, chứ thật ra anh Bạch kia cũng chẳng trắng hơn anh nầy bao nhiêu! Bạch trắng không còn! Hiện nói đây là Ông thần nước mặn, Bạch đen nầy thôi! Thực ra tôi có nhiều điều tâm sự với anh ta lắm, nhưng trong những dịp gặp gỡ như thế nầy, chỉ chào hỏi các bạn khác mỗi người vài câu cũng đã hết thì giờ, còn đâu mà hàn huyên riêng tư! Anh Bạch là người năng nổ sốt sắng trong những kỳ Họp Khoá nhất, anh ghi tên đóng tiền sớm nhất, bao nguyên bàn mời thân hữu và kỳ nào anh cũng hào phóng gửi một số tiền ủng hộ trước!
Anh bạn Bạch, mái tóc cao như tân binh, rất khoẻ mạnh, so với kỳ họp 2 năm trước cũng y vậy, hơi có da thịt hơn, mặt thẳng băng, đâu ai ngờ anh là 67, 68 tuổi! Nghe kể lại, anh cũng đi bay trực thăng cho hãng dầu bên Canada một thời gian, rồi đi học lại lấy bằng gì đó tương đương như CPA của Mỹ, và đã mở văn phòng hoạt động cũng đông khách hàng. Vậy thì nếu chưa là đại gia, ít ra anh cũng là…“trung gia” rồi! Khi xưa nhìn nước da màu đường thốt nốt của anh, bạn bè trêu chọc:
- Ê Bạch, Ông Cụ chắc cũng là một thâm Nho và có óc hóm hỉnh nghe!
Bạch nghi ngờ:
- Gì nữa đó mậy?
- Thì Ông già đặt tên mầy như vậy, mới nghe ai cũng tưởng da mầy trắng như trứng gà bóc đấy chứ!
- Đúng ngay chóc, mầy biết hôn, hồi tao còn nhỏ da trắng lắm, nhưng tại tao ở bển, nắng nóng và tao ăn đường thốt nốt nhiều quá, nên nước da mới trở thành bánh mật như vầy đó chớ!
- Tụi tao hỏi thiệt nghe, thiên hạ gọi mầy là “công tử xứ Chùa Tháp”, mà mầy có bà con họ hàng gì với Hoàng Gia Sihanook không vậy?
Bạch nghiêm trang trả lời:
- Kể ra thì cũng có đó, tính ra liên hệ cũng gần à! Để coi nào! À! thằng rể của bà em bạn dì của Bà Ngoại ghẻ tao, là anh em cô cậu ruột với vợ của Ông Hoàng Sihanook đó!
Quý bạn có rảnh dò xem tông tích bạn Bạch của tui dùm một cái!
Nhân khi nói đến “tiền ủng hộ” thì không thể quên “đại gia” Nguyễn Văn Tâm và Huỳnh Thông Thái luôn có tấm lòng rộng mở... Ngoài ra, thêm một số anh em khác yểm trợ thêm vài ba trăm không kể! Hoan hô và cám ơn tất cả chư huynh nghe.
Là buổi tiền phi, anh em gặp nhau với tính cách cởi mở, thoải mái trong một bầu không khí thân thương, như anh em trong đại gia đình đi làm ăn xa, nay quay về sum họp trong dịp tết vậy.
MC Vũ Ngô Dũng nhắc lại mời mấy anh nào có kỷ niệm hoặc chuyện vui hay lời tâm tình xin hãy coi đây là dịp để chia xẻ, và mời quý anh chị đã từng hát xin cứ tự nhiên lên hát cho nhau nghe, ai có lên bục là đáng vổ tay hoan nghênh rồi, không cần phải giọng ca vàng đâu!
Thế là bạn ta tuần tự đăng đàn nào là: Vương Minh Dương, Nguyễn Văn Triết (lồi), vợ chồng Trần Tấn Định, thường hát trong ca đoàn lần đầu tôi được nghe. Anh Mai Văn Chớ kể kỷ niệm xưa. Bạn Thạch (xì lô) đọc bài thơ Thất ngôn do anh sáng tác. Phạm Quang Minh lên kể chuyện vui, anh Minh đầu vẫn còn hói, có phần hơn xưa một xí. Nhớ thời SVSQ anh em gọi là “Minh Samurai”, vì giống như các chàng hiệp sĩ Nhật Bổn trong film, anh một mình đi dạo phố Nha Trang mà tới chỗ quẹo vẫn nghiêm chỉnh bẻ góc đàng hoàng. Được anh em cùng khoá để ý, vì Minh và Phan Tấn Công là 2 người giỏi Anh Văn nhất khoá! Từ trên bục xuống thấy anh đi cà xịt cà lụi, hỏi ra mới biết bạn bị tai nạn xe, do người ta tông vào!
Mấy đàn anh thân hữu như Võ Q Thẫm, Nguyễn Đạm Thuyên cũng thân tình lên hát hò góp vui với anh em. Ca sĩ cây nhà lá vườn còn nhiều… nhiều nữa… như chị Nguyễn Đức Minh, chị Kiều Hoa (?), em của Nguyễn Kim Năm… giọng ca cũng một chín một mười với ca sĩ nhà nghề, chứ có đùa đâu. Nhất là cặp song ca, vợ chồng bạn Đinh Sinh Long vừa tình tứ vừa lên bỗng xuống trầm hết xẩy! Còn một xí nữa là quên anh bạn Houston Lê Hải của tôi. Đệ nhất kiếm ngày xưa, bây giờ thượng đài, với cái bụng xì thẩu đang cầm micro nói, thì có một bạn nào đó chạy lên xoa cái bụng và nhét vạt áo trước vừa sút ra vào trong dùm cho Hải, cả phòng cười rộ. Nhìn Hải người ta thấy là một võ sĩ Sumo, hơn là một kiếm sĩ Phù Tang! Thật vui!
Mãi về sau anh MC Dũng mời anh Võ Huỳnh Ánh, người lớn tuổi nhất khoá và là Đại đội trưởng của Khoá 63D Huỳnh Hữu Bạc (vì lúc vào ở TSN và ăn tại câu lạc bộ SQ Huỳnh Hữu Bạc), lên có đôi lời tâm tình cùng anh em. Anh Ánh giọng nghẹn ngào, xúc động kể lại chi tiết về sự ra đi đột ngột của vợ anh, chị Hoa, trong ngày Tết ta vừa qua. Tất cả anh chị em cũng mũi lòng, thổn thức theo từng câu từng lời của anh. Rồi tất cả ùa lên bên anh đang ôm khung hình của chị để chụp chung một tấm ảnh. Coi như chị cũng theo anh về Orange County để họp khoá lần nầy; giống như lần trước trên San Jose vậy. Đi đâu anh cũng mang theo khung hình chị trong ba lô và cõng chị trên lưng, như vậy chắc chị thấy cũng hả dạ phải không chị Hoa?
Tôi nhớ lần đầu anh Võ Huỳnh Ánh cũng trân trọng và nâng niu đem khung hình của chị trong balô ra, cho xem tại nhà anh chị Triết ở Houston. Anh thường kể cho tụi tôi nghe nhiều kỷ niệm lúc chị còn bên anh. Tôi thấy anh đang sống trên Tiểu Bang lạnh, cũng 74 tuổi rồi chứ ít ỏi gì, mà đầu óc cứ quẩn quanh như vậy hoài, e rằng anh bị suy thoái tinh thần mà mang chứng trầm cảm chăng. Nên trưa hôm ấy đi ra ăn ngoài nhà hàng, tôi bèn phụ nhĩ hỏi ý anh bạn:
- Nè, tao định kết thằng Ánh với bà chị vợ của mầy được không mậy?
Anh bạn cười:
- Cũng được, ý hay nghen.
Anh bạn nầy ăn nói dễ nghe, chứ nếu mà tôi hỏi câu đó với bạn thân Trần Quế Lâm( 62B), “Lâm đế” (chết) thì sẽ nghe câu trả lời êm ái và ít… “lưụ đạn” nhất của Lâm “đế” là:
- Ừ thì cũng gả đi cho rồi; chứ để đó có ăn dzọng gì được đâu mà để!
Lần nầy sau khi chụp hình chung, trở lại chỗ ngồi, tôi nhớ đến công việc của ông Tơ, bà Nguyệt, nên kề tai Ánh nói nhỏ:
- Ánh à, tao nói nhỏ cho mầy nghe, bà chị vợ của thằng bạn mình là gái già còn “gin”, đẹp và duyên dáng khó tìm, tao đề nghị mầy nên xáp vô đi! OK không? Tao lo cho!
Bạn ta có vẻ ngẫm nghĩ và không trả lời dứt khoát!
Chị Hoa à! Nếu lỡ mà chị có thấy những giòng nầy, xin chị cũng rộng lượng đừng trách mắng tôi làm chuyện bá láp, bao đồng nghe chị. Ai bảo chị ra đi sớm làm chi, nên tụi tôi phải lo cho ảnh dùm chị chứ. Nghĩ kỹ lại, hẳn chị chẳng những vui vẻ “thả” con dê già Ánh ra, mà còn khuyến khích hắn ta nên nhập đàn khác, cho có đôi bạn, cho đời bớt cô đơn, chứ từng tuổi đó còn... “cơm cháo” gì nữa mà chị lo, phải không thưa chị!
Anh em cứ tiếp tục ca hát và bù khú với nhau mãi đến khi anh Trưởng ban tổ chức Hiền tuyên bố tạm chia tay, để gặp lại ngày chánh: Hội Ngộ, chiều mai 2 July, lúc 6pm! Hiền cũng không quên nhắc nhở sáng mai có tranh cúp tennis lão tướng 63D, và kêu gọi bạn bè hãy đến cổ vỏ ủng hộ.
Sáng hôm sau, trời Cali nóng khiếp đảm! Bác tài xế Nguyễn Thanh Tùng cũng có tinh thần thể thao, và nể vì anh em nên đưa tôi và Huỳnh Liên ra sân tennis để xem các bạn trổ tài!
Các lão tướng đánh đôi, hãy còn nhanh nhẹn, phát bóng mạnh; dù chạy lượm banh, thở hào hển; nhưng vẫn còn sức chọc quê nhau chí choé! Giải tennis nầy là do sáng kiến của chị Bảy Thái đề xuất. Nguyễn Văn Triết sắp xếp và tính điểm thắng thua của từng đấu thủ. Kết quả chung cuộc là cặp Vương Minh Dương, Nguyễn Trung Sơn (râu) 69A thắng cặp Nguyễn Văn Triết, Nguyễn Kim Năm đoạt cúp!
Trong đám nầy tôi... lưu ý “cái ông” Vương Minh Dương nhiều nhất. Cái môn gì hắn cũng khá cả như là: xoa mạt chược, đánh xì phé, tennis, bóng bàn, đá banh, bi da và nhất là bóng chuyền. Khi xưa cùng đơn vị, hắn ta đánh độ bóng chuyền, chỉ xử dụng đầu và chân mà chấp: tôi và anh bạn Lê Võ Hùng (62C). Chúng tôi thua liên miên và chung… từng tút,…. từng tút thuốc Capstan cho hắn ta hút mệt nghỉ! Bởi vậy tôi thường email cho Dương và hăm he: “Nè Dương, thù xưa đã qua hơn 35 năm rồi. Nhưng mà tao báo cho mầy biết: Quân tử 40 năm trả thù cũng chưa muộn nghe mậy”. Nói nghe hùng hổ vậy chứ, môn nào tôi cũng thua xa hắn hết, thì chắc phải gia hạn lên 50 chục năm, coi có gặp cơ may nào không!
Trong sân tennis tôi đứng ngoài tìm cách chọc quê -- vì biết Dương đã từng chơi tennis và đánh độ trước năm 75 rồi -- mà hắn ta không quê độ gì hết; chọc đến nỗi một đàn anh Dương Ngọc Ẩn (62B) hiểu lầm hỏi: tôi và Dương không hợp nhau hả?
Tôi tức cười giải thích sự việc và kể cho anh biết: thực ra, tôi và Dương rất thân, biết rõ nhau, ra trường cùng một lượt, bay cùng ngành, mấy năm chót đi học bay Chinook cùng đợt đầu, 2 đứa là IP đầu tiên (Huấn luyện viên) của Phi đoàn. Chẳng những thế Dương khôn hơn tôi, nên sau vụ 30/4/75, hắn qua Mỹ “đi bay” hãng dầu… đếm đô la mệt… nghỉ . Còn tui “đi tù”… ăn bo bo mệt… xỉu thế thôi! Tụi tôi hể có dịp là chọc ghẹo nhau ngoài miệng cho đã, cho vui vậy mà!
Xong màn tennis, tất cả kéo nhau đến nhà Hiền ăn trưa, theo lời mời được thông báo từ trước.
Không quên ơn và công lao của quý chị Hiền, chị Triết, chị Bạch lo nấu nướng và thật chu đáo bày thức ăn ra bàn sẵn, nào là gỏi tôm thịt, hột vịt thịt kho, dưa chua, sườn nướng, cà ri (?), nem chả, thịt nguội…., dĩ nhiên: bia, rượu chát và nước ngọt không thiếu!
Khoảng 20 mạng không đợi mời lần thứ nhì, không khách sáo gì hết, lấy thức ăn, dựa ngữa ra ghế vừa ăn vừa đấu láo. Phần tôi chỉ hà rứa, chầu rìa bên ngoài, chỉ mỏi miệng thôi mà còn đói bụng, sá gì mấy lão quần nhau hơn 2 giờ ngoài trời nắng đổ lửa!
Tôi còn nhớ, đúng theo dự định ban đầu, chị Bảy Thái, có hứa bao tất cả đấu thủ và cổ động viên đi uống cà phê “Quậy” ngay sau trận đấu! Nhưng giờ chót, vì lý do bất khả kháng kể trên, Huỳnh Thông Thái không về dự được, dù đã mời thân hữu, đặt bàn riêng, vé máy bay đà mua sẵn!
Mộng cà phê “quậy” bất thành cũng đành thôi! Tôi là tên nhà quê, chả biết ở Cali tiệm cà phê “quậy” đó tên gì, không biết có phải cà phê Lú không? Xem trong website ngắm mấy cô... mần ở đó ăn mặc phong phanh ít vải, ngắm tới ngấm lui một hồi muốn… rùng mình!
Ăn xong, tôi bỗng nghe có tiếng nho nhỏ rủ đi ăn… Phở ! Tưởng đâu lão nào mà còn mạnh ăn gớm! Té ra nghe vậy mà không phải vậy! Nhìn lại thì thấy chàng cười cười, ngâm nga:
Sáng đèo Cơm đi ăn phở.
Trưa hăm hở rước Phở đi ăn cơm.
Chiều Cơm về nhà cơm, Phở về nhà phở.
Tối nằm bên Cơm, nhớ mùi thơm của Phở.
À! Tay nầy còn ngon, giữ vững truyền thống không bị… “chệch hướng”! Cái nầy, nếu có chị nào khảo tra ai nói, tôi cũng…“ngậm miệng ăn đòn” thôi, chứ nhất quyết phải bảo vệ tới cùng một lão tử thuộc Dzê của Khoá 63 đúng nghĩa. Xin thưa trước!
Nói là nói vậy, chớ trời xế chiều rồi, nên anh em bỏ qua Cơm Phở, cáo từ gia chủ anh chị “Hiền điên”, lục tục ra về để chiều nay đi dự tiệc chánh:

Đêm Hội Ngộ

Nhà hàng ROYAL mới khang trang, bên trong bày biện trang nhã lịch sự; cư dân Orange County đánh giá nhà hàng nầy thuộc loại sang trọng và đắt tiền đây!
Nói ra nghe hơi xấc một xí, chỉ nội cái tên Royal = nghĩa là cũng thuộc vua chúa gì đây, nó lại trùng hợp với tên gọi của Khoá Hoàng Gia 63DZÊ, nên dù có mắc chút đỉnh tụi nầy cũng “cân” luôn. Vả lại ông Trưởng ban Hiền “điên” và anh em trong Ban tổ chức Nam Cali cũng ấm bụng, vì được gà nhà mạnh thường quân đã đi… “tiền đầu” hơn vài ngàn đô rồi, nên quý bạn hiên ngang… tới luôn là phải!
Vừa đến ngưỡng cửa, tôi gặp ngay quý công nương: chị Nhã Dung, chị Triết, chị Lê Hải mặc áo dài xanh, ngồi ở bàn tiếp tân, tươi cười rạng rỡ, trao phong thư chứa bảng tên và vị trí chỗ ngồi. Phải ghi công chị Nhã Dung khéo léo và rất lịch sự, thật tế nhị trong vai trò vừa tiếp tân vừa làm thu ngân viên .
Tôi ngồi chung bàn với gia đình bạn Nguyễn Thanh Liêm, anh bạn thân ở trên SanJose, nơi mà kỳ họp khoá 2 năm trước, tôi và Lê Tấn Thinh vinh dự được bạn tiếp đãi ăn, ở nồng hậu!
Vào bên trong, hình ảnh đập vào mắt tôi ngay là phía sau bục sân khấu, bích chương mang hàng chữ to xanh đậm, SVSQ Khóa 63D chào mừng quan khách. Hai bên là hai bức ảnh của SVSQ toàn khoá rửa thật to. Chính giữa là hình Câu Lạc Bộ Sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc. Tất cả được ban tổ chức trang trí thật khéo và đặt đúng vị trí, coi như làm nền phông nổi bật trên sân khấu! Sơ sơ bao nhiêu đó đã thấy đẹp và ăn tiền rồi. Hoan hô ban tổ chức!
Đêm nay thật là đông, ai ai cũng trang phục dạ tiệc thật lịch sự đẹp mắt. Thân hữu đông hơn và tôi cũng không nhớ hết. Riêng khóa 63G đã chiếm hơn một bàn: có các anh chị Dậu (Houston). Anh chị Nguyễn Quang Thái (Minnesota). Anh chị Trần Thọ Quế. Anh chị Phạm Đăng Khải,…
Khoá 63A có anh Trần Văn Nghiêm (Hội trưởng ái hữu KQ Houston). Anh Phan Hiền Tính. Anh chị Nguyễn Sung. Anh chị Tạ Thượng Tứ… vv… Một số thân hữu nữa tôi nhớ thêm như anh Phạm Văn Thục (em anh Thặng Fulro). Trần Gia Bảo. Phạm Đình Khuông…
Trên bàn khách danh dự tôi thấy có Niên Trưởng Đinh Thế Truyền. Niên Trưởng Hoàng Thanh Nhã… lại vắng bóng anh Niên Trưởng thân thương Trưởng Khoá Phương Thế Bửu! Dù anh em đã gửi thiệp và ân cần gọi phone mời anh, nhưng vì sức khoẻ anh không đến tham dự được. Thật là tiếc!
Thời gian 46 năm như nước chảy qua cầu, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in thuở ban đầu gia nhập Không Quân; 105 chàng bạch diện thư sinh được tuyển chọn vào SVSQ. Thay vì được gửi ra quân trường Nha Trang để thụ huấn, chúng tôi lại được ở tại Tân Sơn Nhất. Doanh trại đóng gần câu lạc bộ sĩ quan Huỳnh Hữu Bạc, hằng ngày học Anh văn và tập cơ bản quân sự, ăn uống trên Câu Lạc Bộ Sĩ Quan. Có một ông Thiếu Uý Trưởng khoá có tên nghe như một tráng sĩ, hay võ sinh trong truyện kiếm hiệp; đó là Phương Thế Bữu. Tên đẹp cũng như người. Anh trắng trẻo, đẹp trai, hiền từ, chẳng phạt vạ ai cả… Mãi sau khi được gắn cấp hiệu Alpha xong, chúng tôi được chuyển ra quân trường Nha Trang. Lúc ấy mới biết đá, biết vàng, biết canh ruồi và biết thế nào là lễ độ với SVSQ Cán bộ. Thực tình lúc ấy chỉ sợ SVSQ đàn anh, chứ Sĩ Quan như anh hay mấy ông khác, tụi tui đâu có ngán, dù lon Thiếu Úy thời Tổng Thống Ngô đình Diệm là… “bự” lắm! Đêm nằm gẫm lại thời kỳ vàng son ở tại TSN đẹp như mơ. Bởi vậy anh em tự cho mình thuộc Khoá 63D Hoàng Gia là vậy! Chỉ có con vua cháu chúa mới được vậy thôi!
Đang hoài niệm chuyện xưa, bỗng anh MC Đinh Sinh Long cất tiếng mời gọi tất cả an toạ và im lặng; để buổi lể được bắt đầu. Thì ra đúng 7PM!
Anh Đinh Sinh Long, bây giờ không còn hình ảnh của Long thuốc lào (hút thật) ngày xưa nữa, anh phát tướng, dáng trông đường bệ, cao to đẹp trai hơn xưa nhiều, đang chững chạc trong bộ đồ lớn, nghiêm trang, từ tốn trong điệu bộ ăn nói như một MC nhà nghề. Chả bằng khi xưa mỗi lần nghe SVSQ Đinh Sinh Long xin có ý kiến; là anh em lo… thấy bà! Đúng sai không cần biết, vì chắc mẻm thế nào cả đội cũng bị SV Cán bộ phạt! Tuy vậy chẳng ai để tâm phiền hà gì, mà vui vẻ đặt tên anh đúng là “Đinh Sinh… Sự”!
Khi mọi người giữ im lặng, anh Long tự giới thiệu, thêm đôi lời mở đầu và cho biết chương trình buổi Hội Ngộ.
Rồi thì:
-- Trước tiên bắt buộc là nghi thức chào Quốc Kỳ Mỹ Việt và phút Mặc Niệm.
Trong điệu nhạc và tiếng kèn trầm buồn Mặc Niệm, anh chậm rãi gọi tên 33 anh em của Khoá đã lìa đàn, vừa gợi nỗi nhớ cho người còn ở lại, vừa như thể gọi mời các bạn mình, những anh linh đang chao cánh lưng trời dỏi nhìn bè bạn đồng khoá đang quây quần hội ngộ đêm nay !
--Xong, anh xướng danh những anh em 63D hiện diện. Có bạn từ Sài Gòn qua, ở Canada đến, và khắp nơi trên nước Mỹ về dự. Anh cũng nêu danh quý Niên Trưởng và bằng hữu đến chung vui.
--Tiếp theo là anh Trưởng ban tổ chức Nguyễn Đức Hiền ngỏ lời chào mừng quan khách.
--Rồi đến tất cả mấy “chàng” 63D -- nhất định chưa thể gọi là “cụ” được, dù đã hơn hoặc ít bước nữa là thất thập! -- lên đồng ca Hành Khúc KQVN với âm vang vẫn còn khí thế như thuở nào!
Phải ghi nhận Ban tổ chức thật chu đáo, không hề quên gửi thiệp mời mấy chị quả phụ 63D và có quà tưởng niệm trao tặng. Rất tiếc chỉ có mặt chị Tôn Nữ Thanh Huệ (vợ Đoàn Toại) lên nhận quà do một Niên Trưởng trao ! Tưởng cũng nói thêm là chị Thanh Huệ, dù anh Đoàn Toại đã vĩnh biệt chị 35 năm hơn, nhưng cái máu KQ vẫn còn trong huyết quản, và cái tình 63D không hề phai, nên bất cứ lễ hội nào của KQ và nhất là của 63D không hề vắng bóng chị!
Sau đó Niên Trưởng Hoàng Thanh Nhã được mời lên trao cúp tennis cho cặp vô địch Vương Minh Dương, Nguyễn Trung Sơn (râu) 69A - và cặp về nhì là Nguyễn Văn Triết, Nguyễn kim Năm.
Anh Nguyễn Đạm Thuyên 62C được mời lên nhận cúp dùm cho Huỳnh Thông Thái, “chị Bảy” Thái cũng là một trong số 19 đấu thủ, nhưng bắt buộc bị vắng mặt, anh không được cúp vì tài nghệ mà là “cúp tưởng-thưởng” anh, một ngưòi đã đề xướng và hết lòng cổ vũ mạnh mẻ cho giải nầy!
Trưóc khi nhập tiệc và văn nghệ, một vị khách quan trọng liên hệ với khoá 63D, một Niên Trưỏng KQ được mời lên để phát biểu đôi lời: đó là Niên Trưởng Đinh Thế Truyền, Cưụ Liên Đoàn Trưởng Khoá Sinh / Trung tâm Huấn Luyện KQ Nha Trang. Niên Trưởng đã ngoài tám mươi, nhưng vẫn còn hồng hào khoẻ mạnh, Ông lên bục như là một guest speaker, nhưng rất tiếc vì micro, âm thanh không rõ nên tôi không nghe được gì.
Thức ăn 7 món lần lượt đem ra, hương vị đậm đà được đánh giá là khá ngon, hầu như mọi người đều nhâm nhi với rượu vang đỏ, có lẽ tốt cho tim mạch, không thấy ai uống bia và rượu mạnh!
Trên sân khấu có nữ ca sĩ địa phương nhà nghề và ban nhạc Ngọc Trọng giúp vui. Xen kẻ, bạn bè và thân hưũ nam nữ lên góp lời ca tiếng hát liên tục và đông đảo… Trong số đó tôi còn nhớ có chị Thanh Mỹ (vợ Phạm Đăng KhảI). Chị ca sĩ Hoàng Ly (vợ Tạ Thượng Tứ); còn nữa… chị Phan Văn Dũng hát bài gì mà có câu …“có bao nhiêu 60 năm cuộc đời”…
Dưới sàn đã thấy nhiều cặp dìu nhau đi thật lả lướt, vài tà áo bay bay, có lúc xoay người rất điệu nghệ. Tiếc là kỳ nầy vắng màn biểu diễn của cặp gà nhà Houston vũ sư Giang Văn Thành. Nếu có và được cha con nhà Vẹm chứng kiến tận mắt chúng gọi là “múa đôi” quả không sai!
Nhìn quý vị nam nữ, tôi thấy chẳng có gì là lụ khụ, chậm chạp hết! Vẫn khoan thai nhẹ nhàng uyển chuyển, có nhiều anh chị lắc Tuýt, cũng “te” tới bến, chứ có nghe tiếng khua rắc rắc của xương cốt, cẳng giò gì đâu!
Bởi thế nên tôi mượn trên “Net” bài thơ dưới đây khá đúng cho quý vị nầy:
60 chưa phải đã già!
60 là tuổi mới qua dậy thì
65 hết tuổi thiếu nhi
70 là tuổi mới đi vào đời
75 là tuổi ăn chơi
80 là tuổi yêu người yêu hoa
90 mới bắt đầu già
đêm đêm vẫn cứ mặn mà yêu đương
100 có lệnh Diêm Vương
Cứ ở trên ấy yêu đương thoả lòng
Bao giờ đạn hết lên nòng
Từ từ nằm xuống là xong một đời !!!

Có một điều khiến tôi thắc mắc: Cô em ca sĩ chánh của ban nhạc Ngọc Trọng đã 3 lần cứ gọi khoá nầy là: “Khoá 36”. Mặc dù chữ Khoá 63D chần dzần trên bích chương ở ngay đó chứ đâu!
Nghĩ lại tôi nghiệm ra là cô em nầy thâm trầm, hóm hỉnh lắm! Vì cô nghe phong phanh tụi nầy hở miệng ra là gọi “Khoá Dzê”, chứ không phải là Đê; mà Dê là Ba lăm. Chắc em nhìn các anh đây lộ nét dzê ra mặt. Thật không hổ danh, em bèn rướng lên thêm hơn một… “ngấn” ; thành ra 36 chăng? Vậy là cô em muốn… “chơi” tụi nầy chứ… “lộn lầm” cái nỗi gì! Để hôm nào gọi Hiền “điên” hỏi cho ra lẽ mới được...!

Hậu Hội Ngộ (Hậu Phi)

Theo như thông lệ và truyền thống KQ, với lòng hiếu khách và tình nghĩa anh em trong mấy ngày tương ngộ, cũng để lại niềm lưu luyến; nên trước khi chia tay, ban tổ chức đã khoản đãi bữa ăn tiễn đưa tại nhà hàng Paracel Seafood lúc 11AM ngày chót July/03/09.
Hôm nay tôi làm MC, là bị anh Hiền chỉ định từ trước! Tự thấy mình chỉ lạo xạo vòng ngoài vui chơi thôi, và khả năng ăn nói không bằng ai, nên đã từ chối đôi lần mà không được, nên tôi đành bấm gan tuân lệnh Ông bạn Hiền vậy!
Anh em tề tưụ vào bàn đông đủ khoảng 80 người. Tôi cũng leo lên bục làm nhiệm vụ MC. Nhưng mà may quá, ban nhạc đã thu dọn đồ nghề đi hết, nên không có micro! Tôi mừng quá, đúng là có quới nhơn phù hộ đây. Tôi bèn báo cho Trưởng ban tổ chức Hiền biết, và có ý định “xù” cái vụ MC nầy đi! Hiền nghe qua cũng ngập ngừng ậm ừ thôi, chứ làm sao bây giờ! Anh em ăn uống chuyện trò rôm rả, chứ có cần MC làm chi đâu…Tôi thấy “phẻ” quá. Đang ăn uống ngon miệng, tôi bỗng nghe anh Hiền kêu lên.
- MC đâu? làm việc đi chứ!
Tôi phải buông đũa, ra đứng giữa sàn nhà vỗ tay bôm bốp, và dùng 12 thành công lực sư tử hống hét to lên; yêu cầu anh em im lặng! Thật khổ cho tôi, bây giờ mới thấy thiếu cái micro là… chết dở!
Là tên nhà quê Nam Kỳ rặt, ăn nói đâu có lưu loát, miệng lưỡi sao trơn tru nhà nghề bằng 2 ông bạn MC Bắc kỳ: Vũ Ngô Dzũng và Đinh Sinh Long trong mấy ngày qua, tôi bắt đầu mở miệng:
- Thưa các bạn, hôm kia là ngày Tiền phi. Hôm qua là ngày “Chánh phi”. Còn hôm nay là ngày… Thứ phi”!
Anh bạn Thạch xì lô chỉnh liền: Hậu phi! Đó! Thấy tui lạng quạng chưa? thì… Hậu phi vậy!
Tôi lên để thay mặt anh em cám ơn anh chị Hiền và anh em Nam Cali bỏ nhiều công sức đứng ra tổ chức ngày Hội ngộ cho anh em gặp nhau. Hôm nay còn cho bữa ăn khá thịnh soạn mà free, để tiển đưa nữa!
Tôi cũng đã bỏ nhỏ với Hiền:
- Mầy nên tổng kết sơ xem có lỗ nhiều không, cho tao biết để hôm nay tao sẽ kêu gọi anh em bù lỗ cho nghe.
Hiền cho biết:
- Very close! Nếu thiếu mấy trăm, thì tao gánh luôn không sao đâu!
Chà! Chịu chơi ha! Hiền mà, đâu phải bở!
Bởi thế nên anh em không thấy cái hộp giấy carton quyên tiền, và nghe tôi ca bài ca con cá là vậy! (Mấy ngày sau, Hiền thông báo có dư được trên $500, và giao cho Thủ quỷ Vũ Ngô Dzũng cất giữ, để lo việc hiếu hỷ trong Gia đình 63D).
Tôi cũng như đa số nhận xét sơ khởi mà trung thực là: Hội Ngộ thành công mọi mặt. Tôi có phỏng vấn mấy chị, người nào cũng nói Everything OK hết.
Nhận thấy thời gian còn dài, mình được chỉ định ra đây ăn nói, mà hổng lẽ chỉ có biết ăn không thôi sao. Hơn nữa hôm nay nói cái gì cũng chỉ có anh em trong nhà nghe thôi, nên không sợ, không khớp. Tôi bắt đầu kể lể tâm tình:
- Thưa quý bạn, tiện đây tôi xin thân tình thông báo cho anh em biết: Nhóm 63D ở Houston chúng tôi cố tìm cách tạo sự đoàn kết, và gắng bó với nhau; bằng cách khoảng hơn một tháng: là phải gọi hú nhau đi ra ngoài ăn chung với nhau một bữa; đã thế mà còn đặt ra cái lệ là: hể có con Dzê nào ở Tiểu bang khác đến, thì thông báo cho nhau biết, để anh em được dịp quây quần lại với nhau, để welcome bạn mình! Xin anh em có dịp ghé ngang Houston nhớ dùm điều nầy cho nhé!
Và thưa các bạn, cũng nhờ những bữa cơm thân tình như thế nầy, mình mới phát giác ra những chuyện… “thâm cung bí sử” thật bất ngờ và thú vị. Như một lần nọ, tụi nầy chừng 5 cặp đang ngồi ăn và chuyện trò bình thường, trước mặt tôi là chị Giang văn Thành, chị Huỳnh Thông Thái và chị Nguyễn Văn Triết. Tôi nghe bà Triết đang kể cho bà Thành nghe vụ gì đó về anh Triết, mà cứ nghe bà Triết gọi ông Triết bằng “Nó” hoài. Tôi tưởng là vợ chồng Triết đang hục hặc gì đây, nên bà ấy mới gọi như vậy. Tôi lắng nghe một lúc thấy không phải. Tôi buột miệng:
- Chắc chị Triết gốc là người Tàu phải không?
- Tôi “tàu” lao thì có! Chị Triết nhanh nhẩu đáp.
- Vậy mà tôi tưởng chị là ngưòi Tàu, nên mới gọi ông xã Triết bằng “Nó”, tức là Nị đó chớ.
Chị Triết cười và giải thích rằng 2 ông bà chả có giận hờn, hay gây gổ gì nhau cả; mà tại vì “chàng và nàng” cùng sống chung một xóm, và chơi thân với nhau từ thuở nhỏ 5, 6 tuổi, đã cùng tắm truồng đùa giởn dưới mư , gọi nhau “mầy, tao” quen miệng rồi. Cho đến lúc cưới hỏi và mãi tận bây giờ có cháu, mà cũng còn nhiều khi không bỏ được thói quen!...
Tôi cười, ngạc nhiên:
- Trời đất! Thiệt vậy sao? Tôi thật không ngờ à nghe.
Tò mò tọc mạch, tôi hỏi tới:
- Tôi hỏi thiệt chị nghe, trong mấy chục năm sống chung, có khi nào chị gọi anh và xưng em không?
Chị cười ỏn ẻn:
- Có chớ! Lúc... lúc… “Ấy” đó!
Quả là một mối tình đẹp , trước sau như một , tính ra anh chị Triết đã “chíp” mí nhau hơn 62 năm ròng rồi đó ! Có ai được thế không ?!
Vậy đó! Chỉ có thường đi ăn chung, anh em gặp gỡ nhau hoài hoài, thật thân tình, nên mới biết được những cái… bí ẩn dễ thương như vậy; chứ tôi đã đến nhà anh chị Triết ăn tiệc, và ăn cơm gia đình cả chục lần, biết chị nấu ăn hết sẩy -- đặc biệt “dzách lầu” là món canh chua -- chứ có bao giờ nghe được chuyện hấp dẫn như vậy đâu.
Tôi còn định kể thêm mấy chuyện lẩm cẩm vui vui của vài bạn già nữa, … Đang hứng chí với cái đà vui nhộn thân mật nầy, chị Nguyễn Văn Tâm và khá đông mấy chị trong bàn ăn đề nghị: cứ 2 năm Hội Ngộ một lần, và lần tới kêu anh Trần Minh Bạch đứng ra tổ chức tại Canada. Anh Bạch giơ 2 tay: sẵn sàng!
Tôi cũng thấy ý kiến hay, và yêu cầu vote ngay xem sao. Kết quả khoảng 30 cánh tay ngọc ngà giơ lên, còn phía mấy ông thì cứ lững lờ, thập thò như gà phải cáo. Như vậy tôi cũng biết sẽ ra sao rồi. Vì “lệnh ông không bằng cồng bà” mà, nhất là các bà “lái phi công”! Tạm thời, giữa mặt bá quan văn võ tôi xin công bố là: năm 2011 Khoá 63D sẽ hội ngộ tại Vancouver, Canada. Có gì thắc mắc khiếu nại tính sau!
Đến đây, bạn cựu võ sĩ Lý Trực Ninh đứng lên mời tất cả bạn bè về nhà anh, cách nhà hàng Paracel Seafood chỉ 5 phút xe, để anh chị được khoản đãi tiếp! Chà! Dân Cali sao mà dễ yêu và điệu nghệ thế!!!
Nhưng thật là tiếc, chúng tôi gồm: anh chị Phạm Thành Quới. Anh chị Nguyễn thanh Tùng. Anh chị Huỳnh Liên, và tôi, theo lịch trình dự trù, phải lên đường nên không thể đến dự được. Trên đường đi Las Vegas, trí thông minh của tôi bây giờ mới đột nhiên xuất hiện, nói với bạn bè trong xe:
- Mấy bác à, tại sao hồi nảy mình không hỏi anh Ninh có thể ghé qua nhà anh và lấy Food- to- Go được không? Bây giờ tiếc quá nè!
Anh chị Ninh à! Mấy hôm sau nghe bạn bè kể lại họ được thưởng thức những món ăn Huế thật độc đáo, ngon hết ý, làm tôi càng thêm tiếc hùi hụi! Cũng tại mấy ông bà bạn “đồng chí” của tôi hăm he: từ đây (Orange County) lái xe lên LasVegas cũng lâu, mà tối thì chập choạng cũng mệt, hơn nữa lên đó trể quá, thì Casino… đóng cửa đó nghe!
Nhân đây xin cám ơn tấm lòng và hảo ý của anh chị. Chúng tôi rất trân quý và không quên.
Quý bằng hữu Không Quân thân mến! Có sao tôi viết vậy; đôi chỗ tôi kể lể lẩm cẩm gọi là chia xẻ cái tình anh em 63D của chúng tôi đến với quý vị cho vui. Và cũng xin được nói thêm lời tâm tình: mình đã trải qua cuộc đời nổi trôi, thăng trầm; chúng ta còn lại gì ngoài cái tình Không Quân?
Thiển nghĩ nếu cuộc chiến còn, chúng ta mỗi người một nơi, hẳn có kẻ ở, người đi biền biệt; dễ gì gom họp đông đủ?! Giả tỷ chúng ta còn được bình an khoẻ mạnh, mà sống tại quê nhà, nội cái việc bương chải kiếm cái ăn còn chưa xong, sá chi nói đến Hội ngộ.
Vậy thì như chuyện “tái ông thất mã”, chúng ta may có được mọi thuận tiện như hôm nay; vậy còn chần chờ gì mà không đến với nhau, khi sức khoẻ còn cho phép và khi có dịp, phải không chư vị? Vả lại:
Trăm năm trước thì ta chưa gặp!
Trăm năm sau biết gặp được không?
Cuộc đời sắc sắc không không…


* * *

Cua Đinh (15/8/09)



Friday, February 6, 2009

Tản mạn về CÂU ĐỐI



Phiếm Luận

Tản mạn về CÂU ĐỐI


* Cua Đinh *

Câu đối thuộc thể loại văn biền ngẫu, gồm hai vế đối nhau nhằm biểu thị một ý chí, quan điểm, tình cảm của tác giả trước một hiện tượng, một sự việc nào đó trong đời sống xã hội. Nên lưu ý là từ đối ở đây có nghĩa là ngang nhau, hợp nhau thành một đôi.
Câu đối cũng là môt loại trong văn chương như: thi, phú, hò, vè... đặt biệt là không ấn định gồm bao nhiêu chữ, không ràng buộc vào niêm luật ,thường dài nhất cũng chỉ là một câu thôi. Bởi vậy mới gọi là Câu đối mà lị, chứ không nghe nói là Bài đối bao giờ!
Nó không đòi hỏi nhất thiết câu văn phải trau chuốt, mượt mà; nhiều khi thoáng nghe chỉ là một câu nói bình thường nhưng không ngờ nhìn kỷ lại hoặc phân tích ra, mới thấy kiểu cách đặt biệt trong đó, nó chứa đựng cái lắc léo, cầu kỳ của những từ ngữ bên trong, do vô tình hay cố ý của người nói ra (đề xuất). Chính những nét đặc biệt ấy khiến cho ngưòi ta coi như một thách thức… “ngầm”, đã hấp dẫn lôi cuốn và nhiều lúc làm “nhức đầu” cho những tao nhân mặc khách tìm cách đối lại với câu xuất. Cái thú văn chương là ở chỗ đó!
Khi thấy vế xuất trong câu đối ra như vậy; mình tìm một câu nào khác, tương tự từ cấu trúc đến âm điệu, từ ngữ như câu đó; mà câu nầy có được ý nghĩa như trả lời lại, đối đáp lại với câu xuất thì là nhất hạng, là đúng cách, tuyệt diệu mãi được lưu truyền . Nếu không được vậy, nhất là gặp những câu oái oăm, cầu kỳ, hiểm hóc; thì chỉ cần tìm được một câu kiểu cách giống như thế thôi (không cần đối đáp lại) cũng là khó, là hay rồi!
Nói nôm na Câu Đối có thể coi là một bàn cờ thế hoặc ví như một bài toán, ai giải được thì cảm thấy thoả mản thích thú; ngược lại thì thấy tưng tức, mệt óc vì mãi tìm chưa có lời giải cho những câu hóc búa!
Càng về sau nầy, hễ nghe đến câu đối là người ta thường liên tưởng đến Tết, hoặc cũng cảm thấy cái hơi hướm Tết quanh quẩn đâu đây.
*****
Nhân nói đến Câu Đối, nó gợi tôi nhớ đến kỷ niệm xưa lúc trong tù “cải tạo” ở miền thượng du Bắc Việt. Cũng vì cái vụ đối nầy, mà tôi bị phiền không ít! Tôi còn nhớ như in…. Xin được kể lại cho có đầu có đuôi, cố đem lại một chút dư âm ngày cũ, để chư vị bạn đọc cùng tôi, nếm một chút hương vị mùi đời!
Tôi cùng bạn bè “tù cải tạo” đang ở trại Kiên Thành do bộ đội quản lý, chung quanh trại chỉ toàn là một màu xanh thẳm của núi rừng ngút ngàn… Mùa Đông trên miền thượng du bắc Việt, trời xám xịt, u ám, mưa phùn, đường mòn trơn trợt… Đặc biệt ở vùng cao, thâm sâu nầy có loài chim gì mà tiếng kêu có âm thanh nghe như: “Bắt cô trói cột”… bắt- cô- trói- cột… Một chút tiếp theo lại kêu “ Cứ lao động… tà… tà”. Đó là cùng một con hay khác không rõ! Thật đấy! âm thanh y chang như vậy. Ai đã là tù mà có ở vùng sâu, vùng xa đều biết cả!
Anh em đang co ro trong bộ quần áo tả tơi đi lao động, hay cuối buổi chiều về, mặt mày tái mét, da trên mấy ngón tay trắng bạch, nhăn dúm lại vì ướt lạnh, bụng đói cồn cào, đang mệt lả người, đang thấm thía câu: “Lửa cơ đốt ruột, dao hàn cắt da!”
Vẳng bên tai; khi xa, lúc gần, tiếng chim nầy lãnh lót trong cái tỉnh- mịch của núi rừng, nghe buồn não nuột làm sao! Như thể ai nhắc nhở mình cứ “lao -động –tà- tà” thôi, để giữ sức, mà còn thấy mặt vợ con, chớ ngày đi thì có, còn ngày về mịt mù… xa xăm lắm! Như lời bàn... “Mao tôn Cương” thì theo truyền thuyết do cư dân địa phương kể lại; trước đây có những người bị đày lên vùng nầy, họ gồm: những người có đầu óc chống đối, hoặc lầm lẫn mê theo tiếng gọi đi nông trường, làm thanh niên xung phong, đi xây dựng xã hội chủ nghĩa; lao động nặng mà thiếu ăn, đói rét đến nỗi bị kiệt sức chết đi trong u uất, và biến thành con chim nầy, để buông lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho thế nhân nhớ và xem đó mà làm gương.
Ngày 30 Tết, buổi sáng được lệnh tất cả các đội đi lấy củi cho bếp trại và cơ quan. Xong buổi chiều nghỉ, để mỗi đội tự tổ chức đón giao thừa, vui chơi với nhau. Mấy thuở mà đưọc nghỉ như vậy, anh em thấy “đã” quá! Nhưng thật khốn nạn, thằng Đội-trưởng gian ác của tôi, là H công Toại, khoá 17 Đà Lạt, một nghiệt súc đầu thai, hắn đã tìm cách lấy điểm với cán bộ, xin cho đội tình nguyện lao động thêm trong buổi chiều mưa phùn gió rét, bằng cách xuống suối vớt lượm sỏi đá, đem lên cẩn con đường đi ra cầu tiêu. Ai mà không tức? Nhưng nào ai dám cải; lên tiếng phản đối cho chết à? Chỉ tội cho mẹ và bà của hắn bị anh em lầm bầm lôi ra mà… “xả xui” lút cán !!!
Rồi tối cũng đến, ngoài sân củi chất lên hình chóp như nhà của mọi da đỏ và nổi lửa, anh em tù cùng trong đội bu quanh, như thể mình là hướng đạo sinh đang cấm trại đêm vậy! Nghĩ lại cũng có tí liên hệ đó, vì lẽ mình không đươc gọi nhau là tù, mà gọi là “cải tạo viên” , hay “trại viên” . VC “điếm ” bỏ mẹ, vừa mị dân vừa cho uống nước đường có bỏ thuốc độc trong ấy, thế mà dám bảo VC là ngố à ??!
Mấy tên cán bộ lảng vảng xa xa nghe ngóng. Còn anh em tụi tôi, ngưòi nào có vài miếng khoai mì đã chôm chĩa đuợc, dấu kỹ mấy ngày qua, đem ra lùi vào đống than đỏ rực. Kẻ nào không có thì đem ¼ cái bánh bao để dành lại của buổi cơm chiều, mang ra nướng lại mà nhâm nhi với nước suối đun sôi. Thỉnh thoảng chuyền tay nhau cái điếu cầy, kéo một hơi thuốc lào ngất ngây trong đêm lạnh, cũng nên thơ và ấm cúng ra phết! Xin nói rõ, kẽo chư vị chưa được…. “hân hạnh” ở tù VC, tưởng đâu đi tù mà còn được ăn bánh bao, như vậy cũng phong lưu chán, có gì đâu mà… than với rầu!
Hổng phải đâu ạ! thực ra đó là cục bột gần bằng cái chén nhỏ, vo tròn xong đập dẹp dẹp bỏ vô luộc thôi! Bọn nầy kêu bánh bao cho nó gọn, chứ vỏ bên ngoài là bột, bao bên trong nhưn…. cũng bột thôi .!Toàn làm bột hết trơn!
Để chứng tỏ an tâm “học tập cải tạo” ; ngoài việc chuyện trò bù khú vô thưởng vô phạt, thỉnh thoảng cũng phải cất tiếng hát những bài ca “cách mạng” : “Như có bác Hồ … ” , “giải phóng miền Nam”… Càng về khuya càng hết chuyện, có anh đưa ra câu đối và đố vui, coi ai đối lại đựơc!
Câu xuất là: Việt Nam Phùng Há! Đó là tên của một bà đào cải lương tài sắc vẹn toàn của Miền Nam. Nhưng đó cũng là một động từ ngộ nghỉnh là vừa Phùng mang, mà lại vừa Há miệng .
Tôi chưa biết trước câu đối nầy, nhưng cũng nhạy bén nghĩ ra đuợc trong chớp nhoáng, tôi cười:
- Hà hà. Đức Quốc Hít Le! ; vừa Hít vào , mà lại vừa Le lưỡi.
Ai ngờ có vậy , mà tên Đội Trưởng “thầy chạy” nầy báo cáo lên Cán Bộ quản giáo sáng hôm sau. Hắn ta khép vào mặt tư tưởng có vấn đề , xoi mói, xỏ xiên, vì dám sánh Việt Nam với Đức Quốc Xã !!Hết biết! Từ đó tên quản giáo “ghim” và “để ý” tôi khá kỷ…. !! Cũng may tôi không làm gì sai phạm, để chúng lấy cớ “cùm” tôi.
Đến cuối năm 1979, hầu hết các tù nhân được chuyển qua các trại do Công An quản lý! Chúng tôi gọi bọn đó là “ bò vàng”, đám bò vàng nầy là bọn chuyên nghiệp giam giử tù, nên mắt mũi chúng càng cú vọ, xâm xoi còn dữ nữa!
Cũng trong dịp Tết, ở K5 của trại Tân Lập (Vỉnh Phú) đội văn nghệ; có anh Thăng thuận tay trái mà rất đa tài, khéo tay vẽ trên vách tường bằng phấn màu những hình ảnh liên quan đến Tết và có cả hai câu đối đươc viết phăng- tây- zdi:
-
Thường thường câu đối là : Đằng nầy, có anh thấy như vậy là xưa củ rồi, ngại mang tiếng “đạo văn” nên chế ra câu đối khác :
-
Thì cũng là những món ăn trong ngày Tết, tụi tôi cũng chẳng quan tâm, khen chê câu đối ấy hay dở gì hết, biết rằng làm cho có lệ thôi mà !
Không ngờ Đội trưởng là ông cha Tuý (?) bị tên cán bộ bò vàng kêu chỉnh liền, và truy hỏi ai làm ra câu đó, ý gì? tại sao mà ngày Tết những món ăn như vậy lại không ngon (= chả ngon ). Hắn ta hiểu chữ chả nghĩa là không, như chả thèm, chả ham v.v… Tôi thật tình không hiểu tên nầy quá sâu sắc, luôn luôn cảnh giác sự châm chọc của nguời tù chánh trị hay là hắn ta chưa hề biết món Chả? Cũng có thể lắm, vì có nhiều tên hỏi lạp xưởng là con gì vậy rồi mà! Đấy, như vậy cũng là thuộc diện tư tưởng cần phải lưu ý, đả thông!
Nhân nói đến văn nghệ và tư tưởng, tôi nhớ đến vụ cha Trần thanh Cao, trong kỳ hội diễn các đội văn nghệ của liên phân trại , cha Cao đứng lên điều khiển, chế bài hát “Như có bác Hồ” ngắn có mấy câu thành bài hát bè “hết xẩy”! Tôi không thích nhạc, lại dốt đặc về nhạc lý; nhưng thấy ông đứng ra làm nhạc trưởng, tay vung lên xuống, múa may, uốn lượn; điều khiển bài hát bè nầy khoảng hai mươi phút, không chỉ mình tôi mà 100% khán giả đều mê mẩn nức nở ngợi khen: hết ý ! Mãi đến nay tôi chưa từng thấy Nhạc-trưỏng nào có phong cách biểu diễn hấp dẫn như thế, ngay cả trên TV của Mỹ!
Vậy mà ngày hôm sau Ông bị chú cán bộ Giáo dục gọi lên làm việc và thăm dò tư tưởng, vì cho rằng Ông chế biến như vậy là thiếu nghiêm túc và không tôn trọng lãnh tụ! Không biết cha Cao giảng dạy và soi rọi thế nào mà sau lần làm việc đó, thì bài hát kiểu cách nầy được cho phép trình diễn lại như xưa.
Cái gì chứ bị ghép vô cái diện Tư Tưởng là mệt lắm, như có một anh bạn tù làm trong phòng văn hoá của phân trại K5 nầy, chuyên kẻ chữ, viết khẩu hiệu mà cho màu lộn sao đó, hình như viền cái khung bằng màu đen, bị cùm biệt giam một tuần lễ!
Trở lại chuyện câu đối, ta cũng nên tìm hiểu sơ sơ một chút về kỷ thuật của câu đối, có vậy, ta mới thấy cái lý thú và thưởng thức được cái hay dở.
A/ Vế câu đối:
Một đôi câu đối gồm hai câu đi song song nhau, mỗi câu là một vế. Nếu câu ấy từ một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để, ngưòi khác làm vế kia thì gọi là vế ra (mình thưòng gọi là vế xuất ) và vế đối.
B/ Đối ý và đối chữ:
Đối ý: hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành hai câu sóng nhau.
Đối chữ: phải xét hai phương diện thanh và loại.
- Về thanh: thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại.
- Về loại: Thực tự (hay chữ nặng như: trời, đất, cây...) phải đối với thực tự,
Hư tự (chữ nhẹ như: thì, mà, vậy, ru...) phải đối với hư tự. Danh từ phải đối với danh từ. Động từ phải đối với động từ; nếu vế đối này có đặt chữ Nho thì vế kia cũng phải đặt chữ Nho...

Những câu đối hay và khó:
Giai thoại về câu đối nhiều lắm, tôi xin ghi lại vài chuyện ; đôi câu, đối nhau thật chỉnh, để quý vị thưởng thức:
Bà Hồ xuân Hương trượt chân té ngã, để chữa thẹn và tức cảnh, bà bèn tả ngay cảnh trước mắt với hai câu đối:
Giơ tay với thử trời cao thấp.
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài!
Ta thấy hai vế đối nhau chan chát từng thanh, từng chữ.
Còn về ông “thánh” Cao bá Quát chắc chúng ta hẳn còn nhớ chuyện nầy:
Hôm đó, trời nắng quá, Quát thấy trong mình nóng bức, bèn cởi quần áo xuống Hồ Tây tắm. Bất ngờ, Minh Mạng ngự chơi đền Trấn Võ. Lính cận vệ dẹp đường, phát hiện ra Quát dưới hồ bèn gọi lên. Quát giả đò sợ hãi không kịp mặc quần áo, cứ trần như nhộng xin chịu trói. Vừa lúc, kiệu vua xịch đến. Minh Mạng thấy thế cho là hỗn láo vô lễ thì quở mắng. Quát nói mình là học trò, thật tình không biết lối vua đi, xin vua tha tội. Vua bảo:
- Nếu ngươi là học trò, trẫm ra cho câu đối, đối được thì tha, bằng không phải phạt chục roi.
Nhân thấy dưới hồ có con cá lớn đuổi bắt cá bé, Minh Mạng tức cảnh đọc rằng:
-
Quát gãi đầu gãi tai xin vua có tha tội mới dám đối, Minh Mạng thuận cho. Ðược lời, Quát đối luôn:
-
Ngoài cái kỷ thuật rất chỉnh trong câu đối, lại còn thấy cái ý của ông là hơi cao ngạo, hạ thấp thứ bậc, xem Vua cũng ngang hàng như ông thôi: nên gọi ông Vua là người!
Người trói người, tức là Vua trói Cao Bá Quát đấy!
Rồi sau nầy,Cao bá Quát nổi loạn , bị bắt, trước khi bị xử trảm, ông vẫn còn buông được hai câu:
-
-
Trong lúc ấy phong thái ung dung, coi cái chết cận kề như… “ pha” , vẫn buông lời khinh mạn, thì chỉ có ông “thánh” Quát mới có mà thôi.

Những câu đối khó:
***
Nhớ theo như giai thoại kể rằng: Trong lúc bà Đoàn thị Điểm đang tắm, thì có một ông bạn trong làng văn đến chơi, và đòi vào, bà bèn xuất ra một câu “Da trắng vỗ bì bạch”, nếu đối được thì bà cho vào. (Ông ấy tôi không nhớ rõ là ai, dường như ông Chiêu Hổ, hay ông Cống Quỳnh gì đó!)
Bây giờ kẻ hậu bối bèn tưởng tượng ra và diễn tả lại cái cảnh ấy mong chư vị tiền bối thứ lỗi cho, nếu có điều gì vô tình thất lễ!
Ở Việt Nam ngày xưa, nhất là ở dưới nhà quê, ít có nhà nào xây cầu tắm ở ngoài nhà lắm! Đàn bà, con gái thường tắm lúc tối trời và hãy còn mặc áo quần, mà dùng cái gáo hay cái gàu đan bằng dừa nước, múc nước trong lu xối lên khắp người, chứ rất... rất hiếm có ai mà… “tô hô” ra, tắm rửa kỳ cọ cho thoải mái cả.
Thôi thì ở đây bà Đoàn, thuộc hàng nữ lưu khá giả, nên nhà có xây một cầu tắm phía ngoài vườn, vách được đóng ghép lại bằng từng miếng gỗ đứng (vách - bổ -kho) cao hơn khỏi đầu, dĩ nhiên có khe hở... tí nị, ở ngoài nếu không cố tình kê mắt sát khe mà... “ ròm”, thì chẳng thấy cái chi chi cả.
Xế trưa trời nóng nực, bà Đoàn ở nhà một mình và đang tắm! Bỗng ông Hổ ( hay ông Quỳnh) đến chơi. Tình cờ thấy vậy, nên cũng xin mở cửa phòng tắm cho vào!
Người ta đang tắm, mà ông đòi vào để chi vậy hông biết nữa???Thật là quá quắt.! Chắc trời nắng nghe bà Đoàn tắm, ông phát... “nực” theo, nên xin “tắm ké” chăng? Không ai biết điều đó cả! Tuy nhiên bà Đoàn nghe thấy đòi mở cửa cho vào, bà bèn chơi khăm ra câu đối:
- “Da trắng vỗ bì bạch”. Nếu đáp được thì cho vào!
Chỉ có mấy chữ thôi mà tiền bối phải dội ngược, đi vô bộ váng gỏ ở phòng khách ngồi mà nuốt nước miếng. Thật chí phải, chỉ có mấy chữ mà nghe không những tượng hình (da trắng) tượng thanh (bì bạch) mà còn cảm thấy nó kích thích chi lạ! Đã thế mà “cô nàng” lại chơi chữ trong đó nữa mới chết! Nầy nhé: Da tức Bì trong tiếng Hán, còn Trắng là Bạch, rồi ghép chung hai chữ “bì bạch” lại với nhau, thành ra âm thanh của tiếng vỗ nhè nhẹ vào da thịt nữa! Mà nói thêm, xin lỗi, quý bà xưa nay thường hay vỗ... lắm ạ!
Ông rịn mồ hôi trán, tìm mãi mà chưa ra câu đối lại, có khác nào cái chìa khoá mở cửa phòng tắm, rớt đâu đó mà ông nôn nao sốt ruột tìm hoài chưa thấy!
Thôi đành để dịp may bằng vàng, lững thững trôi đi. Tiếc cho ông và cũng tiếc cho hậu thế! Nếu không, thì ngày nay chúng ta có được một câu đối lại tuyệt cú rồi, phải không quý vị ?!
Đó là trên đất nước Việt Nam hằng bốn thế kỷ về trước, luật lệ hẳn là còn sơ sài hơn bây giờ. Chứ như trên đất Hoa Kỳ ngày nay thử coi; Ông bị te -tua ngay chứ chẳng phải chơi à! Chúng ta còn nhớ Ông Toà Tối Cao Thomas Clearance lúc ra điều trần ở Thượng Viện, thời kỳ Ông Tổng Bush cha không ?? Ông nầy bị bà giáo sư sử học tố cáo, từ cái thuở nào đó, đã xách nhiểu tình dục với bà (sexual harassment). Chỉ vì trong lúc tán tỉnh, hay rù rì tâm tình (hoặc trong lúc nào ai mà biết được chứ ?) ông đã khoe với bà ông có thanh “đoản kiếm” cở hạng number one, nói chỉ có vậy, mà còn một xí là bay mất cái ghế toà Tối Cao đó!! Còn đằng nầy Ông Hổ (hay Cống Quỳnh) mới là bạn bè mà… đòi kỳ cục như vậy, thì coi như “tiêu đời” là cầm chắc!
Trở lại vế ra của bà Đoàn:
- Da trắng vỗ bì bạch.
Đến nay ta có nghe mấy câu đối lại như:
-Rừng sâu mưa lâm thâm. (Rừng = lâm ; sâu=thâm )
- Trời xanh màu thiên thanh (Trời = thiên ; xanh = thanh )
Hoặc tôi có thấy trên internet khá lâu:
- Bảy Xanh la thất thanh
Kẹt trong câu nầy chữ Xanh là danh từ riêng (tên người) nên theo kỷ thuật đối thì xem như cũng chưa được chỉnh lắm !
Gần đây theo Thế Giới Mới có in câu:
- Tay sơ sờ tí ti … có thể coi được chăng?? Vì Tí cũng là tay mà tí ti là một chút xíu, tay sơ là còn trong sạch, nguyên vẹn. Nhưng chữ tí là tiếng Hán của tay, thì có hơi lạ tai, ít khi nghe!
Đó là những câu tôi được nghe qua cũng xin ghi lại để quý vị tường!
Rồi gần đây lại nghe thêm câu đối khó nữa :
*** < Gái Củ Chi chỉ cu hỏi củ chi ?? >
Phân tích câu nầy ta thấy:
Củ Chi là danh từ riêng chỉ một địa danh; Chỉ Cu là nói láy lại của danh từ riêng thành một động từ, và một danh từ có nghĩa là Chỉ (trỏ) con “kẹt”, mà cô gái ấy còn thơ ngây thơ không biết là gì, hỏi đó là cái củ chi (gì) vậy?? mà “củ chi” đứng cuối câu là lập y lại hai chữ đầu mà biến thành câu hỏi. Tóm lại vế ra chỉ có hai chữ Củ Chi mà đảo tới, đảo lui; lại thành một câu hỏi đầy đủ ý nghĩa và ngộ nghỉnh!
Tôi có thấy vài câu đối lại, thoạt nghe thì cấu trúc từa tựa như thế, nhưng chưa có câu nào được coi là gần gần “chỉnh” hết; cũng xin được ghi ra đây, cho vui:
< Trai Hàng Chuối chùi háng bảo hàng chuối >
…(miệng la bộ hạ tên là long)
Để kết thúc cho bài viết về Câu đối , tôi xin đưa ra thêm một câu để chư vị đôc giả động não tí chơi, hoặc ai có nghe qua rồi, xin đáp lại dùm. Đa tạ. Đa tạ!
Câu đó là:
***

Xin thưa trước, đây chỉ là một câu thuộc về văn chương thuần tuý, chứ người viết hoàn toàn không có một ẩn ý gì về chính trị, hay cá nhân Ông Kỳ gì cả. Mong quý vị hiểu cho.
Cua Đinh (Nov/23, 08)