Sunday, June 8, 2008

NHỮNG CÁI…KHÔNG BAO GIỜ QUÊN


NHỮNG CÁI…KHÔNG BAO GIỜ QUÊN.

CUA-ĐINH

Tưởng nhớ đến: Lâm Đế, Trọng Khẹt, Hảo Caribou…


Tôi xin thưa ngay để quý huynh đài hiểu ngay cho chữ… “Những Cái” ở đây có nghĩa là những Cái sự việc, những cái kỷ niệm, những cái tên, những cái cảm giác…v.v… đã xảy ra với tôi
chứ không phải là những... cái gì… gì khác mà tổn thọ. Bởi mới đây có một anh bạn trẻ chuyển cho xem vài bài viết khá lâu của anh ấy về bay bổng ngày xưa, nhắc đến tôi vài chuyện và gợi ý tôi nên kể lại vài vụ viêc... 40 năm qua cho các bằng hữu nghe chơi trong lúc trà dư tửu hậu. Chà cũng khó đây! Trước 75 tay cầm cần lái, sau 75 được mấy anh Ba cho hưởng vinh quang… cầm cuốc;
chứ có dịp nào cầm viết đâu mà viết với lách! Nhưng mình có học gồng và mới làm một viên… thuốc liều, nên: Cũng đành nhắm mắt… múa tay. Thử xem chữ nghĩa độ rày đến đâu.
Tôi xin kể lại chuyện thật ,người thật đến 99%: còn 0,5% vì viết về mình nên hơi chủ quan và có lẽ hơi… “nổ” hoặc vẻ vời một xí, cho trẻ trung vui vẻ âu đó cũng là cái máu con nhà “nòi” KQ
mình mà, thông cảm hỉ! Còn 0,5% là chi tiết như ngày giờ không được chính xác, thì quý huynh cũng hiểu cho đệ cũng ngoài sáu bó rồi, nên bộ nhớ nó cũng... early retire chút đỉnh! Tự an ủi rằng có nhiều bậc vĩ nhân, những bộ óc siêu việt mà về già cũng còn bệnh lú lẫn (alhzeimer); sá gì mình thuộc loại bất tài vô tướng, dân ngu khu... vàng thì đâu có nhằm nhò gì Không phải khu… đen mà là khu vàng vì đang sống trên xứ Mỹ mà mình thuộc giống dân da vàng, nên phải dùng chữ ấy cho nó đúng… phong thổ! Lại thêm một nỗi khổ nữa là khi đánh máy bài viết nầy chỉ xử dụng “nhất dương chỉ” làm cò mổ từng chữ một với sự chú tâm cao độ nên… “văn” (vốn đã hiếm) nó không có ra!
Xin bộc bạch vài hàng… phi lộ. Bây giờ để: “tôi kể người nghe”… :

Cái tên… cũng có ảnh hưởng

… Tôi và một số bạn Chuẩn uý “nhô con” về trình diện Phi Đoàn 211, (Thần Chuỳ), Trực Thăng (H34) khoảng giữa năm 1964. Vị trí Phi đoàn nằm sát cổng Sư đoàn Dù. Đi từ cổng PHI LONG vào, cứ đi thẳng đến gần sát cổng trại Hoàng Hoa Thám, quẹo phải vào cổng nhỏ có đề chữ HELIPORT đó là PĐ 211.
Bộ chỉ huy gồm có:
Chỉ huy trưởng : Thiếu tá Nguyễn Huy Ánh.
Chỉ huy phó: Đại uý Nguyễn hữu Hậu.
Trưởng-phòng Hành-quân: Thiếu uý Nguyễn Văn Lân
Trưởng phòng Huấn luyện: Thiếu uý Phạm Huy Lạng
Trưỏng phòng An phi: Thiếu uý Bùi Hân
Trực thuộc Phi đoàn còn có Sĩ quan Hành-chánh tài chánh: Thiếu uý Nguyễn Long Nhan, và Sĩ quan Kỹ-thuật Phi đạo: Thiếu uý Phan Võ Viên.
Hai pilot chuyên bay thử là: Trần Xuân Quang và Hồng Văn Tý, anh Tý thời gian ngắn sau qua PĐ 217 và sau đó lại chuyển nghề qua An ninh.
Thời kỳ đó, KQ không có qui chế rõ ràng! Hơn nữa có một vị cho rằng KQ chỉ để… đuổi gà (!?) nên lon-lá kẹt lắm. Quan ba Tàu bay... cũng hiếm thấy và... “bự” lắm rồi. Còn quý vị tuy mang lon… thấp Thiếu uý, nhưng võ công... phi hành thì… cao và đã vào hạng sư phụ hoặc sư thúc rồi như: T/u Lê Phước Điền, Nguyễn Thanh Cảnh, Đặng Trần Dưỡng, Nguyễn Kim Bông, T/u Trương Văn Vinh, Nguyễn Văn Vui, Nguyển Văn Lắm, Đặng Bình Minh... v.v... còn các đàn anh gần lên thiếu uý thì… nội-công cũng đã đạt 12 thành công lực và thuật phi hành cũng ở bậc cao thủ trong giới võ lâm bay bổng như các anh: Phạm Bính, Trần Xuân Quang, Đinh Hữu Hiệp, Nguyễn Hữu Lộc, Phan Ngọc Huệ, Đặng Kim Quy, Nguyễn Hữu Nhàn, Cao Văn Tư, Bùi Văn Be, Châu Lương Can, Nguyễn Văn Minh (con), Lê Quỳnh (tài -tử) v v...
Quý vị sư phụ, sư huynh kể trên hơn một năm sau được thăng cấp… hồi tố, có vị chưa kịp rửa lon vừa mới lên lại phải lo mua lon mới!
Bọn tôi mới về được bay huấn luyện thêm để tái xác nhận làm hoa tiêu phụ đi hành quân, làm sĩ quan trực phi đoàn, và bị bắt học, soạn để thuyết trình địa huấn (kỹ thuật) cho nhau nghe với sự chứng giám của vài xếp. Cái món này tôi không ưa vì đã chán học nên đi lính mà cứ bắt học hoài; cho nên phải thú thật rằng kỹ thuật thì tôi quá dốt. Thuở đó, chiến trường còn lắng dịu nên nhiệm vụ cuả Trực thăng thường là đi tải thương và tiếp tế; rất ít khi bay đổ bộ. Vì thế pilot nào trong tháng mà bay được cỡ 60 giờ là coi như xuất sắc, thường là cỡ 20giờ. Nói chung đây là thời kỳ vàng son và nhàn hạ, nếu có một vài lần đổ quân thì cũng cỡ 7, 8 chiếc H34
bay hợp đoàn theo đám UH cuả Mỹ như trận Ấp Bắc và Bình Giả. Mãi đến năm 1967 và nhất là từ năm 1968 trở về sau nầy việc đổ quân mới là… cơm bữa...
Vừa mới về PĐ cỡ nửa tháng là được T/u Lắm (U-NU) đặt cho tôi cái tên là “Cua-Đinh”, xin đọc rõ là Cua Đinh; phải chi mà đừng có chữ ‘’a” thì ra lại hay và đâm ra mình còn có giá trị… ngầm!
Biết đâu chừng giờ đây ăn nên làm ra vì các hãng bào chế thuốc mượn tên mình làm quảng-cáo để ganh đua, cạnh tranh với loại thuốc Viagra của hãng Pfizer! Sở dĩ có biệt danh đó vì mặt tôi luôn luôn đỏ nên anh ấy nói rằng tôi nổi đơn sắp bị…cùi, mà bây giờ ăn
loại có phong như vịt xiêm lai hay cua đinh vào là… rụng móng liền! Cái tên nghe kỳ cục và cũng rất là…. độc!
Cũng vì vậy mà mấy năm sau trong nghiệp bay bổng của tôi cũng xảy ra lắm chuyện độc… đáo, không giống ai! Thời gian hơn một năm sau tôi được sắp xếp bay huấn luyện xuyên huấn để ra hoa tiêu chánh, tôi thường được mấy ông thầy huấn luyện cho là T/u LẠNG, Thiếu tá Nguyễn Huy Ánh và bay nhiều nhất với Chỉ huy phó Phi Đoàn Đ/u Nguyễn Hữu Hậu.
Nói đến Ông Ánh thì ai cũng nghe danh là bay Trực Thăng rất giỏi và những cái xuất sắc khác nữa như: giỏi võ và tài thiện xạ súng colt. Tóm lại cái nào ông cũng thuộc hạng sư cả. Có một lần, sau một giờ bay huấn luyện xong về đáp; làm thủ tục tắt máy! H34 có tay ga giống như tay ga xe gắn máy mobylette vậy. Đồng hồ tachometer RPM thì khi bay hai cây kim chỉ engine và rotor dính với nhau, còn khi tắt máy thì cúp mạnh tay ga về phải cho kim engine (split) tách ra vớí kim cánh quạt rồi chờ cỡ 1 phút sau kim xuống thấp; máy nổ ra-len-ti lúc ấy cúp cần xăng mixture là xong, còn cánh quạt quay chậm dần một lúc sau ngưng hẳn.
Như mọi hôm Sư phụ Ánh sau khi cúp ga rồi, tay xách helmet đang chân trong chân ngoài để leo xuống bên cửa trái, bổn phận tôi là còn ngồi đó để tắt xăng, điện…v.v, trong lúc chờ kim engine xuống thấp nữa; tôi nóng ruột vặn thêm, không biết… cái gì bắt, thay vì vặn phải thì tôi lại vặn ngược, máy rú lên! Phải công nhận ông thầy lẹ thiệt, nghe một cái rột là ổng đã ngồi lại vào ghế rồi. Ông hỏi:

- Cái gì vậy??
- Dạ, bị lộn mép!
- Đừng lộn vậy chớ!
Bây giờ nhớ lại tôi cũng còn tức cười và cũng rất đổi ngậm ngùi tưởng nhớ đến một vì sao rực sáng; một vị lãnh đạo tài ba Chuẩn Tướng Nguyễn Huy Ánh, cựu Tư lệnh Sư Đoàn 4 KQ! với tất cả sự ngưởng mộ và kính mến!
Sau mấy tháng bay huấn luyện xuyên huấn tại PĐ tôi được Đ/u Hậu check out ra Hoa tiêu chánh.
Một thời gian sau PĐ trực thuộc Không đoàn 33 và dời qua nằm kế bên PĐ 415 Vận tải.
Bãi đậu Phi cơ H34 và hangar cũng nằm kế bên bãi đậu C47 gần taxiway; phía cuối Phi đạo, hướng trại Sư Đoàn Dù.
Phi Đoàn Trưởng:Thiếu tá Nguyễn Hữu Hậu.
Như đã nói trên, có lẽ vì... đeo cái tên kỳ cục nên tôi cũng gặp những chuyện …lạ đời.

Mất Đại liên 30

Mới nghe, ai cũng tưởng đâu tôi là Xạ thủ đại liên của một đơn vị tác chiến Bộ binh, chứ pilot sao lại không mất súng cá nhân ru lô mà lại mất súng cộng đồng đại liên??
À! Đầu đuôi như thế nầy: Chắc chư liệt vị còn nhớ những năm 1965, 66, 67 tình hình chính trị ở Sài gòn thật bất ổn, cứ chỉnh lý rồi biểu dương lực lượng, rồi đảo chánh liên miên, lại thêm biểu tình liền liền… Lệnh bên phòng Hành-quân chiến cuộc gọi sang là PĐ phải có một chiếc H34 sẵn sàng ứng trực cho bên Bộ Tổng Tham Mưu. Hôm đó tôi làm Sĩ quan trực PĐ và được lệnh phải gắn đại liên 30 cho chiếc ứng trực. Tôi xuống kho vũ khí ký nhận mượn và đồng thời báo Phi đạo gắn giá súng cho đại lien 30 mà trước đây Trực thăng H34 không có.
Bẵng đi cỡ 10 hôm sau, kho vũ khí gọi lên PĐ đòi cây đại liên, tôi xuống phi đạo định gỡ cây đại lien đem trả về kho. Nhưng quái lạ đại liên không cánh mà... bay đi đâu mất! Thế là tôi lãnh thẹo!
Vì khi xuống ca sĩ quan trực, tôi chỉ bàn giao sổ sách thôi, chứ có ai ngờ cớ sự như vầy đâu mà bàn giao cây đai liên! Cũng là tại tội ỷ y và thiếu kinh nghiệm nên không ghi thêm vào sổ trực cho anh SQ trực kế.. ôm cây đại liên đó! Tôi phải làm tờ phúc trình sự việc và xách xe pick- up đi tìm khắp các phi đạo mấy ngày liền mà vẫn bặt vô âm tín. Rốt cuôc sau khi quân cảnh Tư pháp kết thúc điều tra, P Đ Trưởng Nguyễn Hữu Hậu và tôi lên gặp Không đoàn trưởng Không đoàn 33 Trung tá Lưu Kim Cương quyết định: Tôi phải đền cây đại liên bằng tiền16,000 đồng, hơn 2 tháng lương, bằng cách trừ lương nhiều kỳ; tính theo hối xuất đô-la giá chính thức(1đô =33đồngVN).
Sau được PĐ thương tình xuất quỷ bù cho tôi số tiền đó. Một lần nữa xin cám ơn PĐ.

Đè .. Taxi và kẹt tay ga!

Hồi mới về PĐ tôi thường nghe kể dường như là Tr/ u Bá hay Đ/u Ông lợi Hồng hay vị nào đó mà tôi không nhớ tên… khi bay hành quân ngoài Vùng 2, máy bay lâm nạn tắt máy và vị đó đã làm forced landing, đã… “thảy lỗ” xuống một lỗ trống trên cánh rừng già! Phi hành đoàn an toàn và cánh quạt chỉ cách những cây cao xung quanh chừng 2mét. Tôi thật khẩu phục tâm phục; một cái lỗ nhỏ thật là … “bót” như vậy, đáp bình thường cũng đã căng rồi chứ nói gì đến làm autorotation đáp ép buộc xuống ngay chóc chỗ đó! Tôi xin giải thích thêm về chữ autorotation (tự động quay) mà dân trực thăng gọi tắt là Auto để quý huynh khác ngành biết rõ. Làm auto (tự đông quay) là coi như máy đã tắt; máy bay là một khối sắt nặng thay vì rớt thẳng nhưng nhờ vào cánh quạt (rotor) vẫn còn quay cho nên nó nâng cho máy bay rớt xuống theo một góc độ lài 45 độ. Chính cái độ cao và giây phút quyết tử đó pilot
phải lèo lái, điều khiển làm sao cho máy bay an vị trên mảnh đất trống, êm ái ngon lành thay vì lật chổng gộng, hoặc nằm… trên ngọn cây! Cũng nói thêm trong tích tắc đó pilot vừa tìm chỗ đáp, vừa phải kiểm soát control cái cánh quạt đừng để quay quá chậm thì máy bay rớt lẹ, hoặc quá nhanh thì cánh quạt sẽ văng mất cả hai trường hợp đó thì máy bay đụng đất nghe một cái… ầm và phi hành đoàn chỉ còn là một đống thịt như… thịt bầm hamburger!
Dân Trực Thăng đi hành quân đến những chỗ… “hot” thay vì tà tà đáp xuông như thuở thái bình, rất dễ làm bia cho các loại súng của bọn Vẹm, thì làm Auto, cúp ga cho động cơ vẫn còn nổ ở ra-lăn-ti
để máy bay rớt xuống thật nhanh khi gần đến đất thì rồ ga lại (recovery) và đáp bình thường! Tóm lại đây là kiểu đáp tránh đạn, động cơ còn nổ và mình củng yên chí lớn là sẽ đáp như thường thôi, nên nếu có lỡ bộ, hơi quá bải đáp hoăc thiếu một chút chưa đến bải đáp thì mình cũng đáp được, chứ còn máy tắt thiệt như đã nói ở trên thì… căng lắm mọi thứ phải chính xác, không có chuyện xin lỗi làm lại, một là an toàn huy hoàng hai là điêu tàn từ chết tới bị thương.
Nhớ có lần chở mấy ông Dân Biểu về thăm lại đơn vị ứng cử ở Rach Giá; có một ông nghe lỏm bỏm sao đó mà nói rằng mấy anh đừng làm Xe hơi… Xe hơi (mấy ổng dịch chữ Auto) gì đó nó lộn ruột quá!
Lúc ông Ánh còn làm Phi Đoàn Trưởng, trong mổi buổi họp hằng tuần thường hay nhắc nhở anh em trước khi về đáp nên dợt làm vài cái Auto cho nó quen!
Từ lúc ra Hoa tiêu chánh mổi lần trực đêm, chiều vào tôi thường quay máy và xách máy bay ra vùng Phú -Lâm để bay thử xem máy bay có ngon lành cho đêm trực không. Khoảng nửa giờ bay thử đó tôi củng tự dợt làm được ít cái AUTO hoặc những hôm đi bay tải thương về gần đến traffic của Tân sơn Nhất tôi cũng xuống thấp cao độ bằng cách làm auto. Không ngờ nhũng việc mình thích, mình khoái làm như vậy mà sau đó nó lại cứu mình.
Tôi nhớ đâu cuối tháng 11 năm 1967, tôi nhận một phi vụ chở VIP, qua sân Cửu Long bên Thị Nghè chở Tư Lệnh Hải Quân ra Vũng Tàu họp. Phi hành đoàn gồm có: Tôi, Trưởng phi cơ, anh Nguyễn Thanh Tùng (Tùng lỏi), Hoa tiêu phó, anh Thạch (quên họ) là cơ phi. Lúc đó trên trực thăng H34 chưa có xạ thủ. Sáng hôm âý trời trong, nắng nhẹ, khoảng 10 giờ sáng, tôi cất cánh ở Tân Sơn Nhất bay qua sân Cửu Long với cao độ 600 ,700 bộ (feet) đúng theo lộ trình và traffic của TSN. Đang bay ngon lành đến khoảng đường
Hiền Vương gần đến rạp ciné CASINO Đa Kao bỗng dưng máy bay nổ to và liên tục giống như bắn đại liên Thân tàu rung giật mạnh, kim đồng hồ RPM nhảy lên xuống không ngừng, rồi động cơ tắt hẳn, máy bay rớt. Nhìn xuống bên phải tôi thấy nhà lầu cao san- sát, ý tưởng lóe ngay trong đầu là chắc phen nầy mình vào nằm ở bịnh viện Grall rồi vì bị phỏng (xin nói thêm thời đó pilot bị nạn là đem về Grall chứ không có đưa qua bệnh viện Cộng Hòa như sau nầy) tôi chỉ kịp la:
- Tìm chỗ đáp!
Anh Tùng chỉ làm dấu bằng hai bàn tay quẹo trái, tôi quẹo 90 độ qua trái ngay, và thấy ngay trước mặt là con đường, tôi nhắm ngay con đường đó làm auto xuống, khi gần đến đất tôi flare lại (kéo cần lái cho máy bay đứng lại) thấy cánh quạt cuốn dây điện và điện thoại 2 bên đường; máy bay chạm đất và một càng bánh phía phải đè trên đầu máy xe taxi, có lẽ vì vậy mà vô-lăng đập vào ngực làm bác tài xế bị thương và thiệt mạng sau đó trong bịnh viện. Máy bay nằm trên đường Lê văn Duyệt Gia Định và dưới dốc Cầu Bông, cách trại hòm Tobia cỡ 100 mét... Sau khi tắt điện xăng xong tôi và anh Tùng leo xuống khỏi phi cơ và nhờ một chiếc xe jeep của Cảnh Sát chở đến Tiểu Khu Gia Định, mượn điện thoại gọi về Phi Đoàn.
Gặp sĩ quan trực PĐ là anh Minh (con) hay anh Thảo tôi quên mất:
- Tao báo cho mầy biết, tao bị rớt trên đường Lê văn Duyệt Gia Định. Tại dốc cầu Bông! Phi hành đoàn vô sự!
Tôi nghe đầu dây bên kia la lên:
- Ê, thằng D… nó rớt rồi tụi bây ơi!
Chúng tôi lên xe Jeep trở lại phi cơ và lấy túi xách helmet, cỡ 15 phút sau, chiếc trực thăng rescue ở nhà đáp xuống sân vận động trường nữ Trung học Lê văn Duyệt cách đó khoảng 400mét, bốc chúng tôi về.
Sĩ quan an phi làm việc: điều tra xem có bay đúng lộ trình không? Và có phải máy bay bị hư thật sự không? Phi hành đoàn qua trung tâm giám định y khoa để check sức khoẻ xem đầu cổ có bị va chạm gì không? và bác sĩ không quên hỏi và check xem đêm qua có uống rượu không?
Kết quả mọi chuyện êm xuôi, Phi hành đoàn không phạm lỗi gì cả, mà về sau biết được lỗi là do thằng… starter, mấy cục than bên trong để dẫn điện tự nhiên nó sút ra vì vậy có xăng mà lửa tự dưng mất, nên mới ngộp xăng mà phát ra tiếng nổ. Nghe nói trên đài Phát thanh Sài Gòn và Quân đội có loan tin về việc máy bay bị nạn và có nói trước khi rớt Phi công đã bình tĩnh bắn súng chỉ thiên để dân chúng tránh xa…À! Cái nầy đúng là “của người phúc ta”
Cám ơn ông anh, bà chị phóng viên đài phát thanh nói tốt cho! Vì nghe tiếng nổ mà suy luận như vậy thôi, nghe cũng hợp lý quá đi chớ! Sự thật thì sự việc xảy ra quá nhanh đến độ chưa kịp… sợ nữa, chớ có huởng đâu mà nghĩ hay làm chuyện gì khác; cũng may nếu gặp anh phóng viên báo trang kịch trường dám cho tôi xuống 6 câu vọng cổ, rồi máy bay mới chịu rớt lắm!
Phi hành đoàn được nghỉ ít hôm để lấy lại bình tĩnh! Ngày hôm sau chúng tôi được anh Đ/u Đổ minh Đức, Sĩ quan Tâm lý chiến của PĐ hướng dẫn đến thăm viếng gia đình Bác tài xế bị nạn ở trong đường hẽm Phan Đình Phùng, Khu Nguyễn Thiện Thuật.
Tôi và anh Tùng mặc đồ kaki vàng đội kết bi, và nhớ tháo cánh bay ra (vì sợ gia đình biết mình là thủ phạm). Anh Đức ngỏ lời là Đại diện KQ đến phân ưu cùng gia đình và có hứa chính phủ sẽ bồi thường vì tai nạn chiến tranh! Rồi đột nhiên anh chỉ tôi:
- Mầy vào thấp nhang, khấn vái đi!
Tôicùng anh Tùng đứng trước quan tài và khung ảnh của anh tài xế cở ngoaì 40tuổi, lâm râm khấn vái. Tôi xin lỗi anh vì tai nạn xảy ra ngoài ý muốn và cầu nguyện anh sớm siêu thoát, được về nơi cõi an lạc!
Trước đây khi cúng vái Trời Phật hoặc Ông Bà, sau khi kể lể cầu nguyện điều gì xong câu chót là xin Trời Phật hoặc Ông Bà phù hộ cho con được mạnh giỏi v.v… Nhưng lần nầy tôi tự nhớ và không quen miệng xin phò hộ nữa vì dù sao mình cũng làm cho người ta chết thì đâu có ai có tấm lòng Bồ Tát đâu mà phù hộ mình, đã không… “níu giò” là may rồi!
Ra ngoàì đường tôi cự anh Đức liền:
- Hồi nãy mình đi cả đám, anh không thắp nhan tự dưng kêu ngay mình tôi vào, “cha” làm như vậy rủi gia đình người ta nghi ngờ tôi là người gây ra tai nạn, họ chém tôi sao “cha nội” ?
Ngày hôm sau phi hành đòan chúng tôi củng đến tiễn đưa linh cửu đi an táng. Chúng tôi đẩy xe gắn máy đi bộ phía sau từ đường Phan Đình Phùng ra Lý Thái Tổ; đi cùng hàng có anh lính thiết giáp mặc đồ rằn-ri, mặt và cổ có vết thẹo bị cháy, hỏi tôi:
Còn mấy ông phi công đó bây giờ ra sao? Hôm nay có đi đưa đám ma không Trung úy?
Tôi lẹ làng:
- À mấy ông đó đang bị nhốt để điều tra; chúng tôi đại diện KQ đi tiễn đưa hôm nay.
Khi đến bồn binh Ngả Bảy, tất cả lên xe để đưa quan tài đến nghĩa trang ở Phú Thọ Hòa. Tôi nháy mắt ra dấu anh Tùng “ lỏi”, cả hai vọt mất; vì trong bụng cũng ngán gia đình họ biết!
Mấy hôm sau về nhà nằm nghĩ lại mới thấy sợ mà cũng hên, nếu không xuống đường mà rớt trên mấy cái nhà lầu, hay đám nhà lá chắc chắn kết quả thảm khốc hơn nhiều! Bởi vậy cả tháng sau, tôi
được người quen nói lại, có vài Bà tính hỏi xem thằng pilot đó có vợ con gì chưa để gả con gái cho, vì nếu nó không khéo mà rớt trên đám nhà lá thì hỏa hoạn và chết nhiều lắm!
Mà tôi thấy cũng xui, phải chi nó đợi nửa giờ sau chờ chở Ông Tư Lệnh HQ trên đường đi ra khỏi thành phố rồi hãy sanh chứng, lúc đó có đủ cao độ và ngoài đồng trống chắc chắn là không sao cả
Và Ông Tư Lệnh có dịp… hú hồn, thế nào Ổng cũng thưởng cho một chiếc mề đay! Đằng nầy vì rớt gần trường nữ Trung học Lê văn Duyệt nên sau khi được rescue về vừa vào đến phi đòan
gặp ngay xếp Đại uý Nguyễn Kim Bông, Phi đoàn phó(?):
-Tao hỏi thiệt mầy nghe Cua Đinh, có phải mầy “múc” ở Trường Nữ nên bị rớt phải không??
Tôi quăng helmet lên bàn và xì -nẹt:
- Tôi bị rớt về ông không hỏi thăm gì cả mà tối ngày cứ nghi ngờ người ta múc không hè!
Tội nghiệp Đ/u Bông hiền lành, thấy tôi đổ quạu nên ôn tồn:
-Thì tao hỏi vậy, mầy không có múc thì thôi chứ làm gì dữ vậy mậy!
- Đúng như vậy, lần nầy không có múc!
Nhớ lại thời trẻ, tâm tư như tờ giấy trắng, tính tình bộc trực ngay thẳng, bay bổng không nề hà tránh né không hề tính toán, nhiều lúc ăn nói quá đốp chát, không biết “cách khéo léo và tế nhị” nên với bạn bè và đàn em thì xà-va, ok, dui dẻ; còn đối với cấp trên chắc phiền lòng không ít, nếu không bị… ghét là phúc rồi, gẫm lại cũng bởi tại ta mọi đàng; nên đừng hỏi cớ sao Trời mây rộng thênh thang bay… mệt nghỉ; mà hoạn lộ lại quanh co, lắm… ổ gà!
Mà ổng nghi ngờ cũng phải vì trước đó tôi có tiếng là bay cao bồi và khi nào có dịp bay tuần phòng trên thành phố là tôi hay múc lắm! Trực thăng mà bay cao cỡ 1000 feet, kéo cần lái lại cho máy bay gần đứng lại; xong chúi đầu xuống lấy tốc độ lúc đó nhìn thấy cũng giống như khu trục nhào xuống bỏ bom vậy; rồi khi xuống dưới khoảng thấp hơn 500 bộ kéo ngược cần lái, nó vọt lên trông cũng… ác gà lắm, chứ chơi sao!
Là pilot mà lúc còn trẻ, lúc còn hăng “tiết vịt” thì ai cũng có “múc”, kẻ nhiều người ít, mọi loại máy bay. Ngoại trừ mấy anh chàng vận tải có lẽ vì kềnh càng, tay chân (thân cánh) khều-khoào nếu múc khó khăn và chẳng giống ai nên mấy anh nầy mới tha cho!
Xin nhắc lại những năm 1966, 67 mọi biến động chính trị thường xảy ra trên thành phố Sài gòn như đã nói trên nên trực thăng được điều động bay quan sát. Đấy là cái dịp là cái duyên may được dạo
trên không phận Sài Gòn. Ngoài cái duyên còn có cái cớ để múc nữa! Chư vị thử nghĩ coi ở dưới đường người xe xuôi ngược, trong khi ta đang trên cao thanh-thoáng, trời êm nắng nhẹ, tinh thần hưng phấn nên cũng muốn làm cho bà con để ý chút chơi.
Lại nữa có nhiều khi trên thượng tầng các cao ốc ở Quận Nhất, Quận nhì Sài Gòn có nhiều mỹ nữ đang phơi mình tắm nắng, mà tắm nắng thì có ai mà chơi… bộ đồ bà ba và khăn rằng quấn cổ như chị Ba Nguyễn thị Định đâu; phải để cho nó mát chứ, đã vậy còn rất lịch sự vẫy tay, ngoắc-ngoắc thì mình chẳng lẽ lại làm ngơ sao đành, mình vốn là kẻ thương người không mảnh vải… che thân!
Và cũng có điều vui vui nầy nữa: Rằng… thì… là... ở thành phố có rất nhiều nhà tắm cũng giống như xe xì-po nắp trần, không mui, trưa hè thấy ẩn hiện dáng tiên nữ trong đó đang tẩy bụi hổng- trần, nên cũng là một liều thuốc kích thích mạnh cho những ai dù không có máu hay vi vu lạng-lách,múc miết đi nữa! Hoặc nhà em là mục tiêu và thiếu điều tróc nóc khi anh cần báo cho em biết là có chàng đang ở trên…nầy đây!
Có lần nhằm ngày cuối tuần xong phi vụ, trưóc khi về đáp tôi tạt ngang qua khu Tân Định múc trên nhà một em mới quen, đâu có múc nhiều,chỉ có… năm sáu cái, vậy mà làm cho ông Trưởng phòng Hành quân Phi Đoàn ở gần vùng đó hết hồn, tưởng đâu có chuyện gì xảy ra, vội chạy vào Phi đoàn vì đã thấy rõ số đuôi phi cơ, nên tôi hết chối cải… và mang tiếng bay cao bồi từ đó; tuy vậy mấy ông xếp cũng thương tình và thông cảm cho tuổi trẻ nên chỉ cảnh cáo và… “ngầy ngà” chút đỉnh chứ củng không phạt vạ gì! Công tình là thế mà của đáng tội, hôm sau gặp; nàng nghe qua cười cười, tỉnh queo:
- Lúc trưa đó em ngủ đâu có hay!
Sẵn cũng nói luôn là tôi thường bay với cao độ...”liếm ngọn cây, khều ngọn cỏ” lắm. Nếu trên vùng hành quân, ở những bãi đáp hot, thì đây là kiểu tránh đạn hoặc phòng không địch đã đành!; đằng nầy vì lợi dụng traffic của TSN nên về gần đến là tôi xuống thật thật là thấp, nhiều khi có mấy lùm cây trước mặt, nhưng cứ đăm đăm bay ngay tới coi như không thấy, đợi đến thật sát mới khều nhẹ cần lái để né hoặc lướt nhẹ qua nó mới… đã!
Chơi dại như vậy nhưng có lẽ nhờ “Cô cho, Bà độ” nên chưa bị gì! Chứ với cao độ đó mà máy bay chỉ cần...ho nhẹ một tiếng thôi, thì tất cả chun tuốt xuống đất rồi chứ làm sao mà đở kịp! Tôi còn nhớ lời của Ông Ánh từ khi còn là PĐT rồi sau nầy lên Không đòan và Sư Đòan Trưởng vì thâý đám trẻ bay bổng vung vít quá, nên thường hay nói câu: Pilot giỏi là Pilot già! (ý nói ai cũng hiểu là bay bổng làm sao mà được sống đến... già). Theo nghiệm chứng và thống kê, Pilot có khoảng 1.000 giờ bay là hay... nghỉ chơi lắm, vì với số giờ đó dù cũng hơi cứng và khá quen với tàu bay rồi, nên cứ tưởng là mình hay, coi trời bằng vung, ỷ tài, bất cẩn và kết quả sớm… biệt phái cho Diêm Vương!
Hồi tưởng lại thấy mình cũng y chang như vậy! Nhưng cái số vẫn còn may. Được cái là hồi còn trẻ nên rất hăng say bay bổng không hề đắn đo hơn thiệt hay tị nạnh với bạn bè. Mỗi khi đi tải thương tại quận lỵ hay tại sân vận động tỉnh; cảm thấy đáp và cất cánh tà tà chán phèo, còn tại mặt trận, có súng nổ lóc chóc có luồn lách nó mới vui! Đúng là “người hùng tim lạnh” có nhiều khi bay đến địa điểm hot mà nghe ông anh leader nói tự nhiên tay ga của tao sao nó cứng quá… hay liên lạc với quân bạn nó nói gì tao nghe không rõ. Tôi báo để tôi xuống cho, và nhào xuống liền thay vì bay vòng vòng chờ đợi, chỉ tổ làm bia cho VC và giúp chúng có thời giờ chuẩn bị. Tôi và đám bạn thường nói tụi nó bắn chắc gì trúng, mà trúng chắc gì chết, nên ba cái AK và Đại liên tụi tôi coi như nơ-pa. Chừng nào Trời kêu mới dạ, chứ bọn VC đâu có rớ được tới mình nỗi!
Sau tai nạn được nghỉ ngơi cho tỉnh táo, rồi trở lại ngày ngày đi bay bổng như thường lệ. Cỡ hơn nửa tháng sau có chuyện xảy ra mà hể nhớ lại là ớn xương sống,sáng hôm nọ có anh trực rescue nên đi quay máy (warm up)sớm ,máy nổ bình thường và đến khi cánh quạt bắt đầu quay, bổng dưng có một cánh quạt bị sút ốc hay sao mà xụ xuống 90độ. Đó là chiếc mà tôi mới bay về đáp tối ngày hôm trước.
Đúng là số còn lớn, nếu hôm trước mà phi vụ đó chỉ dài hơn 3,4 phút là Bà… hú rồi! Không có ai và tài thánh cũng không đỡ nổi. Lỗi kỷ thuật và lỗi của pilot làm chết nhiều hơn đạn thù!
Bẵng đi vài tháng sau, cỡ tháng 4-1968, một buổi xế chiều ngày thứ bảy chúng tôi đi tải thương ở Bến Tranh (tỉnh Long An) Chiếc leader là anh Đặng Kim Quy; còn chiếc số 2 do tôi lái, anh Nguyễn Ngọc Nhuận làm co-pilot cho tôi, cơ phi và y tá cho ở nhà thay vào đó là anh Thúy, pilot trong PĐ đi theo quá giang, xuống Mỹ Tho để sau đó về thăm nhà ở Bến Tre.
Chiếc của tôi đang quần ở trên chờ anh Quy bốc thương binh lên xong là tôi sẽ đưa Thúy đi Mỹ Tho. Anh Nhuận đang lái bổng phát hiện:
-Tại sao tay ga cứng ngắt vầy nè?!
Tôi chụp cần lái và vặn ga thử; kim RPM của rotor và của engine dính chặt nhau không nhúc nhích; đè cần throttle xuống thì máy bay có xuống, giảm cao độ, nhưng kim RPM lại từ từ tăng lên!, laị phải kéo cần throttle lên để giảm RPM nằm ở mức cho phép, thì máy bay lại tăng cao độ!
Tôi và anh Nhuận hoảng quá. Trời Đất ơi cái kiểu như vầy thì làm sao mà xuống. Chúng tôi báo cho chiếc leader biết tình trạng và viết giấy cho anh Thúy ngồi ở dưới biết (vì anh không đội helmet) và không quên nhắc anh ấy thắt giây an toàn (safety harness), không biết sẽ ra sao!
Trên đường trở về TSN với cao độ đang ở 1500 feet, tôi và anh Nhuận thay nhau bay ráng từ từ xuống thấp định về tới Phú Lâm cỡ 500feet như lệ thường, nhưng cứ đè cần tay ga xuống cho cao độ giảm thì RPM tăng, mà kéo cần ga lên để giảm RPM thì cao độ lại tăng. Cứ thế mà khi về gần đến TSN thì máy bay lên đến 4.000 feet. Chúng tôi sợ quá, cứ hỏi lẩn nhau, như vầy thì làm sao mà xuống!?
Cá nhân tôi, kỳ trước rớt ở cầu Bông, Lê văn Duyệt, nó xẩy ra quá nhanh, chưa kịp sợ, còn lần nầy trong vòng 15 phút không kiểm soát được máy bay như ý, nên phải nói là tôi kinh hoàng mới đúng! Mà trường hợp này từ trước đến nay chưa từng nghe ai nói đến bao giờ nên chúng tôi quá hoang mang! Tôi lâm râm khấn vái; cầu xin Trời Phật, Ông, Bà về đây cứu con…cú nầy! Ngày xưa Ngủ tử Tư thời Chiến quốc thức trắng đêm vì lo sợ và mưu tính vượt qua cửa ải nên sáng ra đầu bạc trắng! Còn tôi nỗi sợ càng ngày càng tăng trong vòng mười mấy phút chắc cũng trắng bạc đầu!
Về đến đầu phi đạo 25, hướng hãng dệt Vinatexco (?) thì máy bay tôi lên đến 5,6 ngàn bộ rồi. Làm sao bây giờ? Tôi bàn với anh Nhuận:
- Cứ cái kiểu nầy một chút nữa hết xăng thì cũng rớt, hay là mình cúp xăng tắt máy cho nó rớt, tao sẽ làm auto xuống!
Nhưng cả hai cứ phân vân bàn cãi không biết khi cúp xăng tắt máy, thì kim RPM của engine nó sẽ rớt về zero là đương nhiên rồi ,nhưng nó có split (tách ra) khỏi kim rotor không hay nó lại lôi theo kim của cánh quạt về zero, nếu cánh quạt đứng lại, thì máy bay chỉ là một khối sắt rớt tự do! Nhuận còn chần chừ. Tôi tiếp:
-Tao lái mầy cúp tắt máy, nếu thấy 2 kim tách ra là OK, còn không thì mầy đẩy cần mixture trả lại ngay cho máy nổ lại, rồi mình tính tiếp, tìm cách khác…
Dù gì thì chúng tôi cũng phải lấy quyết định nầy. Tôi báo cho anh leader, Đặng Kim Quy biết tôi sẽ tắt máy và làm forced landing xuống phi đạo và nhờ anh liên lạc với đài Air traffic control, để clear mấy máy bay khác, cũng như kêu xe chữa lửa và cứu thương sẳn sàng cho emergency landing, vì cái radio của chiếc nầy... cà giựt quá, nói và nghe cứ rột rẹt và đứt đoạn dù xài cả hai tần số UHF và VHF, tôi chỉ liên lạc với anh Quy qua tần số FM. Ít phút sau anh Quy cho biết tất cả đã sẳn sàng…
Trực thăng với cao độ gần 6.000 bộ cảm thấy nó lỏng lẻo, và lạnh quá! Anh Nhuận từ từ kéo cần mixture, từ full về vị trí midle và dừng lại ở đó, và chỉ cần kéo từ middle về off tắt máy, Nhuận chầm chậm kéo thêm một chút nữa… căng thẳng quá, tôi có cảm giác như mình cầm con dao nhọn từ từ đâm vào cổ mình vậy. Bổng nhiên:
- Ầm…Ầm!!! 2 tiếng nổ như cà-nông bắn! máy bay giật mạnh và đầu quay ngang gần 90độ vì Nhuận đã kéo cần mixture về Off và đẩy lại liền, tiếng nổ đầu là máy tắt, và tiếng nổ thứ nhì là máy nổ trở lại. Nhìn thấy hai cây kim RPM tách ra, tôi mừng quá!
- OK, nó split rồi, mầy cúp luôn đi!
Lần nầy đã biết và chuẩn bị đạp pedal nên Nhuận cúp máy chỉ nghe tiếng nổ chứ máy bay không bị quay đầu nữa! Phẻ quá! Hết chết rồi ! Tôi mừng quá và tin chắc như vậy. Máy bay bắt đầu rớt nhanh, tay lái nặng vì không có thuỷ-điều (hydraulic) vận hành; nhưng không sao, tôi điều khiển máy bay như ý, tôi vừa xuống vừa quẹo một vòng 360độ,vẫn còn cao tôi làm một vòng 360 độ nữa, bị Nhuận la không chịu lo vô phi đạo đi cứ quẹo ở ngoài hoài, rủi nó rớt ở ngoài vòng đai phi trường thì sao. Tôi bảo:
- Mầy an tâm, yên chí lớn đi!
Xuống gần, thấy runway rộng rãi, dài thênh thang, bằng phẳng quá! Tôi cho touch down ở đầu phi đạo một cách nhẹ nhàng êm ái Và máy bay chỉ lăn bánh cỡ 5 mét. Xe chửa lửa và cứu thương cũng chớp đèn chạy ra đến nơi, phi hành đoàn an toàn lên xe pick up của phi đạo chở vào, tôi quên hỏi Thuý (sau làm sĩ quan ALO, hơn 1 năm sau cũng đi theo trực thăng bị nạn rớt chết) coi teo bu-gi cỡ nào, mà lo “ca” với Nhuận:
- Ê, mầy có đồng ý là tao làm cái auto touch down vừa rồi quá đẹp không?
Nhuận cũng phải cười và công nhận. Sau nầy tôi được Phi dũng bội tinh cánh chim vàng vì người và tàu đáp an toàn trong vụ nầy.
Cũng xin” nổ” thêm là cỡ gần tháng sau, tôi bay chung với Hảo Caribou, hắn nói:
- Tôi nghe đám cơ phi xì xầm với nhau, là đi bay chung với ông chỉ khi nào bị bắn cháy trên trời thì chịu thôi, chớ tắt máy cũng không sợ chết. Để xem có phải là chó ngáp phải ruồi không? đâu hôm nay về đáp ông thử làm một cái auto touch down luôn trên taxiway xem sao!
Tôi thầm nghĩ... chuyện nhỏ! Cơm sườn! Lấy ăn! Tôi còn thêm:
- À! để tao thử coi, nhưng mà chạm đất phải cho êm, ngay đầu taxiway và máy bay chỉ lăn bánh vài mét thôi, chớ chạy ào ào như fixed wing thì…rẻ tiền! OK?
May mắn, tôi làm đúng như lời nói, lúc đó chắc tôi “hỉnh mũi” lắm. vì thấy Hảo cười cười có vẻ tâm phục! Sự thật văn ôn, vỏ luyện mà! Vì tôi thích và thường dợt hoài mỗi khi bay về hoặc thử máy cho phiên trực đêm. Tôi nhớ đến chuyện của anh thợ săn và anh bán dầu; Anh thợ săn tay cầm con chim se-sẻ tí xíu bị mũi tên ghim trên đầu, hiu hiu tự đắc đi vào chợ, anh bán dầu thấy vậy nói có khó khăn gì, và anh biểu diễn rót dầu xuyên qua lổ đồng xu để trên miệng chai, mà đồng xu không bị dính một giọt dầu nào! Trăm hay không bằng tay quen mà, chứ tôi cũng chẳng tài cán gì! Thật tình là vậy!
Tóm lại, chắc là năm vận tháng hạn hay sao mà mấy chuyện… điếng hồn xảy ra trong vòng có 5 , 6 tháng!!!
Về việc Tướng VC: Trần Độ.

Tiện thể sẵn nhớ kể luôn việc nầy:
Chắc chư liệt vị còn nhớ tin Tướng VC Nguyễn Chí Thanh ăn bom B52, rồi chẳng bao lâu sau đó là trận tổng tấn công của VC vào dịp tết Mậu Thân 1968, thì báo chí, đài phát thanh lại loan tin rùm beng là Tướng VC Trần Độ bị tử thương khi đánh vào Sài Gòn!
Thế rồi mấy năm nay lại nghe tin có Tướng Trần Độ “phản kháng chế độ”, đòi sửa đổi nầy nọ v.v... Ủa lại ông Trần Độ nào nữa đây! Và gần đây nhất năm vừa qua , Tướng “phản -kháng” (?) Trần Độ trước khi chết có gửi một lá thư lên bộ chính trị CS phân trần gì đó, có đoạn “…trước đây Tâm lý chiến của Mỹ Nguỵ đã từng khai tử tôi”. Ý nói là phao tin đã chết.
Thì ra chỉ có một ông mà chết hai lần. Lần sau nầy mới chết thiệt. Còn lần trước… dỏm; không phải do Tâm lý chiến vẽ ra đâu; mà do quý quan An ninh, Tình báo của ta… nhầm: Cớ sự như vầy:
Những ngày sau tết Mậu Thân, PĐ vẫn cung ứng 1 trực thăng H34 ứng trực nằm tại sân Tổng Tham Mưu để thi hành mọi phi vụ cấp thiết mà bên đó cần. Hôm đó anh Trần quế Lâm (Đế) ứng trực. Trong phi vụ tải thương ở ngoài ven đô phía Phú Lâm - Phú Thọ Hoà, ngay bãi nghĩa trang; Lâm Đế thấy có những xác VC chết nằm rải rác, nhưng đặc biệt gần cái gò mả có 6 , 7 cáí xác chết toàn mang súng K54 có vẽ như đám cận vệ, nằm quanh một cái xác nọ có vẽ là… Ông Kẹ. Anh mới về báo sự nhận xét của anh với những vị chức-sắc bên TTM. Đến khoảng 3giờ chiều cùng ngày, tôi được lệnh bay qua thêm một chiếc nữa tăng cường để chở thêm mươi quân nhân cơ hữu của TTM đổ bộ xuống ngay nghĩa trang đó, nhằm bảo vệ cho quý vị trách nhiệm bên chiếc của anh Lâm xuống xem xét. Khi tôi đáp xuống thì có 4 , 5 VC ở đó mang súng ngắn hoảng sợ, chạy tán loạn ra ngoài ruộng, anh cơ phi của tôi xả súng đại liên, nhưng chỉ thấy đạn bay tốc bụi đất gần chỗ mấy tay VC chạy, chứ chẳng trúng tên nào cả! Lính trên tàu tôi nhảy xuống bố trí cho chiếc của anh Lâm làm việc. Sau đó chiếc của anh Lâm mới… rinh một xác chết đem về TTM để giảo nghiệm.
Xong nhiệm vụ tôi về lại PĐ ,một lúc sau Lâm Đế gọi phone về cho biết, sau khi giảo nghiệm tử thi, lấy dấu tay v.v... và sưu tra lý lịch thì xác nhận đó là Tướng VC Trần Độ. Tin tức được loan truyền ra từ đó. Nghe tin đó anh Đặng Kim Quy và anh Nguyễn Hữu Nhàn giật mình, hú hồn, vì biết bộ chỉ huy VC đã về vùng nầy từ lâu, mà hai anh đâu có biết; thường nhờ anh em PĐ đi bay thả xuồng đó để… bắn cò bằng súng carbine, rồi một chút đến rước về! Cũng may vì muốn giữ bí mật nên hai anh không bị… làm thịt
Đến bây giờ lại nghe tin về Trần Độ nữa, thì ra là... bé cái nhầm!
Tôi không dám ý kiến hoặc so sánh ngành an ninh tình báo của ta, nhưng tin tức thời sự gần đây thấy tình báo của DoThái mới hết sẩy! Làm sao mà thu lượm được tin tức một cách chính xác ngày giờ của các thủ lãnh Hamas di chuyển, mà dùng trực thăng xịt rocket tiêu diệt từng người một! Chỉ riêng việc bắn rocket trúng phóc ngay chiếc xe là mục tiêu đang di chuyển, tôi cũng bái phục rồi, tôi nghĩ chắc có laser hướng dẫn nên mới chính xác như vậy; chứ trực thăng vì có độ rung nhiều và tốc độ chậm hơn khu trục, nên bắn rocket rất... rất là dể trớt quớt lắm. Ngoài ra còn phải kết hợp tin tức về giờ giấc, lộ trình xe cộ… v.v; để cho máy bay xuất hiện đúng lúc nữa. Như vậy mới là siêu đẳng,là bậc sư tình báo chứ! Còn dân Palestine cũng không vừa gì, củng dễ nể thật!!
Còn ta thì sao??? Có hay biết gì không mà để cho bọn VC; chỉ riêng việc tấn công vào các đô thị với quy mô lớn như vậy trong tết Mậu Thân, ắt hẳn cũng làm chúng ta phải suy gẩm nhiều lắm..!!

Bạn bè xưa năm cũ…

Hôm nay ngồi viết lại những dòng nầy, trong lúc hồi tưởng lại chuyện xưa của những năm từ 1964 đến 1969, tôi không khỏi bồi hồi tấc dạ, cũng gần 40 năm rồi mà sao cứ ngỡ mới đây thôi, hình ảnh những gương mặt chưa một nếp nhăn, vóc dáng trẻ trung, những mái đầu xanh, những lúc kêu gọi tên tục của nhau mà chọc phá đùa giỡn, sao mà nhớ quá, sao mà thương vậy! Nhớ tất cả mọi người trong PĐ từ anh văn thư nhớ đi… và nhất là, làm sao mà quên được anh em Hạ sĩ quan cơ phi, xạ thủ, cùng bay bổng sống chết với nhau trên một con tàu.
Thế sự thăng trầm, vận nước nổi trôi, vỡ tổ đàn chim tứ tán muôn phương… kẻ mất, người còn… mà xa nhau vạn dặm! Âm hưởng hai câu thơ của Vũ Đình Liên nghe sao mà thấy nao lòng:
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?!
Không thể kể hết ra đây; xin nhớ đến một số người… với hỗn danh mà anh em trong đơn vị gán cho vì dáng vẻ, hoặc vì sao đó do cái trực giác cảm nhận mà thốt ra rồi chết tên luôn, khác hẳn với bí danh bí số của mấy anh Ba VC có suy tính để nghe thật êm dịu hoặc có vẻ chân chất thiệt thà, mà “lận” mả tấu, dao găm ở trong bụng và che dấu âm mưu thủ đọan gian manh!
Nhớ đến: Anh Nguyễn Kim Bông, Bông (Cô Tông) không rõ nguyên nhân vì sao có danh đó, lúc tôi mới về PĐ thì đã có sẵn tên rồi, có lẽ Cô Tông là loại Bông vải (?) bên Trực Thăng còn mấy anh tên Bông nữa, không cần nhớ nguyên họ tên, chỉ cần nói Bông Cô Tông là biết ngay Ổng Không Đoàn Trưởng.
Anh Nguyễn văn Lắm ,Lắm U-NU, vì anh có gương mặt… lảnh tụ giống Thủ Tướng 0U-NU (?) của Miến Điện Tác giả đặt tên tôi, Cua Đinh đây rồi! Anh Lắm à:
Dù nhớ lời anh nói, nhưng thời gian bị “tù cải tạo” vì mợ cả Đọi thường trực ở trong bao tử nên tôi cũng ăn nhiều đồ độc lắm (đồ là tiếng Nam, chứ không phải tiếng Bắc đâu nhé): nhái qué chuyện thường không kể; con muổm nướng lên gọi là tôm càng bay; con rít rừng to màu xanh đen nướng lên ăn mà nhớ tới bang trưởng cái bang Hồng Thất Công (trong truyện Kim Dung) cắc kè ngon như thịt gà dể gì kiếm; rắn mái gầm nếu gặp, nó có… gầm lên xin tha mạng củng không được ân xá; chuột rừng hoạ-hoằng mới gặp. Coi vậy chứ tôi ăn uống cũng có trình độ lắm nghe anh, chuột trong trại thật to, lông thưa có lát chút đỉnh chắc cũng già yếu rồi khi thấy người ta cứ thủng tha thủng thỉnh đi chứ chạy... không nỗi là tui chê! cùng với mấy con bò cạp nghĩ chắc là không có thịt thà bao nhiêu nên tôi cũng không rớ! Vì mình ở trên rừng nên không gặp con cua đinh, chứ nếu gặp tôi cũng đâu có ngán, cái đời mình lúc đó kể như… cùi rồi sợ gì lở. Anh thấy toàn là đồ độc không? Mãi đến bây giờ sáng nào ngủ dậy tôi cũng nhìn xuống bàn tay xem có móng nào rụng chưa? Xin thưa chưa anh ạ! Chắc cỡ 40 năm nữa lận!!!
- Anh Vũ Quang Triệu về làm PĐT 211 năm 1969, có tên Triệu Voi, hiền lành chân thật, to lớn, khoẻ mạnh đến độ thuở còn bay H19 lúc máy bay bị servo off , tay lái nó nặng kể gì mà anh vẫn ung dung đáp nhẹ nhàng và có lần nắm cái núm indicator của Chân trời giả để reset; kéo… nhẹ thôi mà nó sút ra nên có biệt danh từ đó, chức vụ cuối cùng mới có… Không Đoàn Trưởng, ngườimà nhà văn Dương Hùng Cường coi là có thiên phú vì biết lái máy bay trước khi biết cỡi…. xe đạp (??) . Về sau có anh Nguyễn Văn Thành bay UH1 vóc dáng và gương mặt hao hao giống nên cũng được “ăn theo” hổn danh là Thành Voi!
Anh Nguyễn thanh Cảnh, tướng đô con, hiền lành nhân hậu có tên Quách Tỉnh; anh là người Huế nói giọng nghe còn nặng, nhớ hồi anh còn là PĐ Phó 211, đầu năm 1969, trong một phi vụ đổ quân, anh bay chiếc chỉ huy C&C, tôi là Copilot, khi thám sát bãi đáp, hoặc địa điểm nào nghi ngờ anh ra lệnh cho cơ phi ném khói đánh dấu để cho gunships bắn phá dọn bãi:
- Đôi đi!
Anh cơ phi nhanh nhẹn ném 2 quả khói màu, rồi một chút nữa lại nghe:
- Đôi đi!
Lại một cặp khói màu, rồi cứ mổi lần có lệnh là một cặp, một cặp bay ra. Tôi cũng không để ý sao anh cơ phi xài sang vậy, đến một lúc anh báo:
- Khói màu mình còn ít lắm Th / tá.
- Tai sao không đôi mỗi lần một quả thôi?
Lúc bấy giờ mới bật ngửa ra: “Đôi” đi là ném đi, mà anh cơ phi hiểu nhầm đôi là hai nên mổi lần... chơi một cặp!
Trong Phi Đoàn đa số pilot đều có biệt danh, đến gần ¾ . Như các anh LỘC:
- Nguyễn Hữu Lộc, “Lộc Bừa” vì anh có hàm răng hơi chênh một chút, qua bay cho biệt đoàn 83, tiền thân PĐ219 sau nầy, anh là PĐT một PĐ UH1 ở Biên Hoà, anh baybổng… khỏi chê! dáng vẻ cao ráo hào hoa. Thuở còn hàn vi anh cùng với một số anh khác như K. Phát, anh Ninh, Ông Kim Sanh…và nhiều người nữa… tôi cũng có mặt, thường hay chung vào mấy cái phòng trống mà cờ bạc, điều đặc biệt ít thấy khi nào anh thắng lắm! Nghe đâu bây giờ anh ở Cali, gần thiên đàng hạ giới Las Vegas, không biết anh có thường lên đó để ân oán giang hồ không? Đừng làm “thầy… cúng” nữa anh Lộc nhé! Nếu không đi thường thì lâu lâu cũng nhớ phải duy trì khả năng chứ, đã biết rồi mà để lâu nó quên… uổng! Miệng ăn mắm ăn muối nhắc bậy, anh bỏ qua cho!
- Lê văn Lộc, “Lộc Bụng” vì anh có cái bụng của bà bầu bốn tháng; anh đã mất tại Vùng 4 vì SA7;
-Anh Lộc Khò, nghe danh không thôi cũng đủ biết, rất dễ ngủ hễ “xểnh ra” là ngủ, đi biệt phái vừa mới chợt tối, anh em còn đang đùa giởn, cải nhau ỏm tỏi, mà đã nghe tiếng khò khò của anh rồi, vì vậy anh em mới đùa rằng thằng nầy nếu mới cưới vợ, ngay đêm động phòng mà tân giai nhân còn đang nhẩn nha trút bỏ đồ phụ tùng, tế-nhuyển nầy nọ, quay lại là anh đã khò mất rồi, đối với anh có lẽ… ngủ là đủ rồi, nên hiện thời anh vẩn còn “ở vậy” chưa có “chị nào nâng chăn sữa chiếu” cả; anh rất hiền hay cười cười chẳng mếch lòng ai, hiện anh còn kẹt lại ở VN ;
-Anh Phạm Văn Lộc, “Lộc Đại Hàn” anh từ Vùng 2 đổi về PĐ 211 cuối năm 1968, anh giống đến nỗi Đại Hàn thứ thiệt, có một lần nọ còn tưởng là phe nhà nên đã xổ tiếng Triều Tiên líu lo với anh một lúc, sang đến Mỹ vẫn còn nặng nợ với nghiệp cầm… cần lái máy bay nên cầm tiền cũng... nặng ! Mới gặp lại anh, bây giờ đầu bạc trắng nên còn giống Đại Hàn ác liệt!
-Anh Lộc “Đại liên”, có tật nói hơi cà lăm, là C/U Cơ phi, anh chuyển về PĐ đầu năm 1967, năm sau không rõ chuyển ngành đi đâu, và đến nay cũng không biết tin tức gì về anh.
- Còn một anh Lộc nữa mà tôi quên mất họ, có tên là Lộc “Nức Trứng” là pilot, dáng người trung bình, vui vẻ trẻ trung, chuyển về PĐ 211 lúc đóng ở Bình Thuỷ năm 1968 , để mô tả cái gì quá mức là anh xài chữ “nức trứng” ; như ngon nức trứng, đẹp nức trứng…, xài nhiều đến nổi mang danh đó luôn, về một thời gian ngắn rồi lại chuyển đi nơi khác, từ đó đến nay chưa biết tin tức gì về anh.
- Anh “Robert Quang”, là Trần Xuân Quang, còn được gọi là “Má Robert” nữa! Tôi và hầu hết anh em trong phi đoàn rất kính mến anh, chẳng những bay hay êm ái nhẹ nhàng, kỷ thuật giỏi mà tính tình hiền hậu đạo đức, biết lo lắng và sống hòa mình với anh em. Dù kêu là Má Robert chớ không phải là anh “lại cái” (gay) đâu. Nhớ lúc Tết Mậu Thân tất cả bị cấm trại, nội bất xuất ngoại bất nhập, là Trưởng Phòng Hành Quân, anh lấy thức ăn trong Ration C chế biến lại kho nấu với rau cải các bạn đi bay ở các tỉnh đem về, ăn với cơm gạo sấy thật vừa miệng đậm đà, tối lại còn cho ăn chè đậu nữa. Nên anh em thấy công việc của anh như một bà mẹ mới mến gọi anh là Má Rober ! Nghe nói thời kỳ bị “tù cải tạo” ở ngoài Bắc anh bị kỷ luật (cùm) cũng vì cái tội thương anh em trong tổ, mà anh là tổ trưởng dám nhổ sắn trộm của trại để “cải thiện” cho anh em! Được biết bây giờ anh sống hạnh phúc an vui cùng gia đình bên ÚC, thuộc hàng Bô lão, khoẻ mạnh và béo tốt hơn xưa, quên hỏi anh xem có phải nhờ thịt con Kangaroo không?
- Anh Nguyễn Thanh Tùng, dáng vẻ mảnh mai, nhỏ con mặt mày non choẹt nên được tên là “Tùng Lỏi”, không dùng chữ con vì kỵ huý với anh Minh Con. Tùng Lỏi là đồng-phạm với tôi trong vụ đè…Taxi, mà nếu xét kỹ ra anh là chánh phạm mới đúng, vì anh là người chỉ hướng tôi quẹo theo, không nghe người ta nói “ma dẫn lối, quỷ đưa đường” sao? Đùa với Tùng chút chơi, chứ thật ra nếu anh thiếu bình tĩnh để phụ giúp thì giờ đây không phải mồ đà xanh cỏ mà là “cồn rêu xanh” rồi!
-Anh Cao văn Tư, hiền lành chất phát, anh bay rất... “độc”, có mái tóc xụ một bên giống chicken wing nên mang danh “Tư Cánh Gà”! Anh về bay cho ông Tổng Tham Mưu Trưởng, có hôm nghe anh trên tần số, Lâm Đế gọi chọc:
- Ê, Cao văn Tư ơi, hôm nay rảnh hả, mầy chở Anh mầy đi chơi đâu đó vậy?
Anh sợ đáp ngay:
- Thôi đừng nói bậy nghe!
Vì anh cùng họ với Đại Bàng mà Lâm Đế đâu có biết là Mặt Trời đang ngồi ghế Copilot! Anh Tư “nhột” quá, len lén tắt radio vì sợ Lâm Đế nói bậy tiếp, một chút lại thấy Mặt Trời mở radio lại và tủm tỉm cười, chứ không nói gì. Anh Tư kể lại vậy.
- Anh Nguyễn chánh Tâm, “Tâm Cóc”, không phải da mặt anh sần sùi như con cóc đâu, mà trái lại mịn màng đẹp trai nữa, nhưng anh rất ít nói nên “có câu cóc mở miệng” và có gương mặt chữ điền giống cựu xếp, đàn anh Lân Cóc.
- Anh Phạm Thành Quới, tính tình cẩn trọng, ăn nói chậm rãi, thật thà kể chuyện gì củng có đầu có đuôi chứ không đi đâu mà vội, không ngắn gọn vắn tắt, ăn nói giống như mấy ông tiên chỉ thời xưa ở trong làng xã, mà cao nhất là ông Cả, nên anh em cứ kêu “Cả Quới” đến bây giờ.
- Anh Phan Tất Đắc, mặt mày trắng trẻo mịn màng, bụ bẫm giống như hình em bé trong hộp sữa Babilac, nên còn gọi là “Đắc Sữa” (đã bị nạn mất cùng với Tướng Đổ cao Trí ở Tây ninh) một hôm bay chung với anh Nguyển Văn Hảo, đang bay thình lình anh Hảo chỉ kịp trân mình nhéo vào tay cuả anh Đắc, điến hồn hét:
- Caribou!
Một chiếc Caribou chần dần xẹt lên ngang qua bụng. Hú vía. Chắc chẳng có… “ma” nào thấy nhau cả! Nghe anh Đắc kể lại và thấy anh Hảo cao, tay chân lỏng khỏng cũng giống thân hình chiếc Caribou nên mang danh “Hảo Caribou” từ đó. Anh là Sĩ quan Hành Quân của PĐ211, bay cũng … “chì” lắm đã từng bị cánh quạt đuôi của UH1 hư mà đáp an toàn. Tội nghiệp đi sông đi biển không chết mà chết lỗ… chân trâu nhà tù VC ngoài Bắc! Đuợc biết vợ con anh đang ở Cali.
Tên Trọng thì có:
- Nguyển Tấn Trọng, “Trọng Xì” vì anh to con và rậm râu gíống Mễ. Sau nầy anh biệt phái qua Biệt đoàn 83, và cuối cùng chuyển qua Chinook bị bắn rớt ở Tàu Ô An Lộc, bị bắt và được trao trả tù binh, cái số anh chỉ bị tù một lần thôi, nên anh và gia đình đã đến Mỷ năm 75.
- Nguyễn văn Trọng, “Trọng Khẹt” ,dáng vóc trung bình, lì lợm, bay giỏi và siêng năng, chắc thuở nhỏ bị sâu răng nên anh cứ… hít hít rồi thành tật, cứ nghe khẹt khẹt hoài. Anh là PĐT UH1 Ở Biên Hoà, bị đi tù và chết ở trại Hỏa Lò Hà Nội. Tôi có nghe nhiều bạn đồng tù kể lại anh là một trong nhóm khoảng trên 20 người chống đối trong nhà tù VC, trưa thường leo tường đi đánh mấy tên Ăng-ten ở các buồng khác trong trại Hà Nam Ninh. Bị VC nhốt cách ly ở Hỏa Lò đến chết! Các chiến hữu nào có biết rỏvề Trung Tá Nguyễn Văn Trọng và nhóm nầy; xin kể lại những hành động ngoạn mục, hào hùng của nhóm. Rất cám ơn! Nghe đâu nhóm có nhiều thành phần: có anh là giáo sư Trung học Pétrus Ký, có anh Cảnh sát độc nhản, được phong là Tướng Moshe Dayan (DoThái) v.v… Tôi rất thân với anh, được biết vợ và 2 con gái của anh cũng được qua Mỹ.
- Anh Trần Quế Lâm, “Lâm Đế”, anh là PĐT cuối cùng của PĐ211 thay anh Nguyễn Thanh Cảnh lên chức vụ cao hơn. Trong những năm 1965, 66 phi trường Bình Thuỷ chưa có, PĐ thường biệt phái 2 chiếc H34 cho Quân khu 4, phi hành đoàn tối về ở trong một building vãng lai ngoài phố, gần bến Ninh Kiều; anh chàng Lâm nhà ta thả rề rề ra mấy chỗ bán khô cá đuối, khô mực nướng ,cốc ổi …với những cái bàn gổ và chiếc ghế con con, anh thoải mái an vị kêu vài xị đế loại ngon ngồi nhâm nhi và đưa cai bằng miếng khô, miếng ổi, anh chê la-de nó lạt. Đúng là dân chơi thứ thiệt, anh cũng nhìn nhận có vô chút đỉnh lái máy bay nó mới đầm! Với đám pilot trẻ thì xem đây là một hiện tượng… nên có hỗn danh Lâm Đế từ đó. Tôi và anh rất thân với nhau.
Nhớ lại những năm 68, 69 hằng ngày đều có hợp đoàn bay hành quân trực thăng vận cỡ 10 chiếc, sau khi đổ quân tất cả về nằm chờ (standby) ở các phi trường nhỏ của Tỉnh lỵ. Cơm trưa xong xuôi mới tụ tập nhau đấu láo, chọc phá nhau. Có lần anh kêu tôi:
- Cua Đinh ơi, tao mới vừa tìm được tiểu sử của mầy, lại đây nghe tao đọc nè.
Anh tằng hắn lên giọng:
- Thiều công tử vốn giòng hào kiệt
- Xếp bút nghiêng theo việc kiếm cung
Nghe được lắm! Rồi anh lại tiếp:
- Thiều tiên sinh vốn người phương Nam, sinh trưởng tại tỉnh Bến Tre, quận Ba Tri, huyện Giồng Trôm, hạt…Cù Lao Rồng (quê của mấy người..cùi), tên cái hạt nầy phải đổi ra tiếng Nho nó mới hay; Rồng là Long rồi, còn Cù lao chữ Hán là gì ta? Một anh bạn nào đó nói:
- Cù lao là Lẩu đó. Bộ không nhớ đi nhậu, kêu một cái cù lao ăn với bún đó sao?
- Đúng rồi! Hay… hay! Cù Lao Rồng tức là Lẩu Long. Vậy là mầy ở hạt Lẩu Long đó nghe Cua Đinh!
Cả bọn cười cái rần! Đang quê độ, phát… nực cũng tức cười vì kiểu kẹt…chữ Nho nầy. Sau khi nghe giảng nghĩa…đùi, ngẩm nghĩ mới thấy dùng chữ Lẩu ở đây thật là… “đắc địa”!
Sau 75, hơn mười lăm năm tôi mới có dịp gặp lại anh bên Mỹ; câu đầu tiên anh cười hỏi:
- Mầy định chừng nào về thăm lại hạt Lẩu-Long của mầy đây?
Anh thường điện thoại cho tôi, kể tên một số KQ quen đã nằm xuống, và khuyên tôi nên bớt đi cày, retire sớm mà hưởng đời đi. Nhưng rốt cuộc tôi bàng hoàng, vô cùng xúc động khi nghe tin anh mất bất ngờ vì đau tim! Đến bây giờ tôi vẫn thường nghĩ và nhớ đến bạn lắm, Lâm Đế!!!
Có những anh không có nét gì đặc biệt để chọc mà vẫn không tha; như anh Lê Tiết Chinh, bảnh trai, hiền lành, nho nhã cũng bị kêu là “Lê mất Trinh”, rồi lại anh Đặng Kim Quy, con người đạo mạo như một nhà giáo, đàng hoàng, ít có ồn ào thường được gọi là thầy Quy mà cũng bị khều ra, hôm nào nhẹ nhàng thì:
- Ê, bi, xi (a,b,c) bắt thầy Quy rang muối!
Làm anh cũng phải phì cười! Còn có hôm, anh Lâm Đế cao hứng thì chọc anh Quy bằng một câu 7 chữ nghe thật đậm-đà, mà tôi không dám viết ra đây vì thuộc loại cấm… đàn bà. Dù cho có vị nào bảo đừng ngại, tới… luôn đi bác tài, cứ viết ra đi vì có ai còn là con trai hay con gái nheo nhẻo nửa đâu, không răng mô!! Thật tình không dám, chỉ xin gợi ý: Đây là câu đối lại chan-chát với câu gì mà trong sách xem tướng có nói:
- Không có Mao chủ tịch, nghèo tận mạng (Âm h…vô mao, bần chí tử!).
Anh Qui xin lỗi… viết lại, anh Quy có còn nhớ không? Nếu anh không nhớ được thì củng chẳng sao, hãy sống vui vẻ với anh em chừng 30 năm nữa rồi đi tìm Lâm Đế mà hỏi nhé!
Còn nhớ… nhớ nhiều, và cũng nhớ đừng để quý vị bảo: thôi đủ rồi…Tám; nên xin chấm hết ./.

_ * _

CUA ĐINH (10/2004)

1 comment:

ArcLine said...

Bài viết hay quá bạn

----------------
Mr. Thanh Phong - chuyên tư vấn thiết kế và xây dựng theo trường phái Phong Thủy Học tại TPHCM
Mời bạn tham quan bài viết Thiết kế nội thất văn phòng theo Phong thủy tại TPHCM hoặc Thiet ke noi that van phong theo Phong thuy tai TPHCM