Saturday, November 17, 2007
Tạp ghi Hội Ngộ KQ63D San Jose 2007
nhã dung
_______________
tapghi…________
________________
.Mừng tuổi 44 Khóa 63D/KQ.
_____________________________________________________________________
Kể từ ngày đầu năm 2007, tôi đã quên đi việc viết lách, tự cho phép mình ‘‘gác bút’’ về hưu, không dám nghĩ đến những bài viết cho Đặc san KQ, thầm nghĩ nếu cứ im lặng, xa lánh mọi sinh hoat, áp dụng câu “xa mặt, cách lòng” và thầm mong thời gian sẽ đưa vào lãng quên như bao nhiêu sự kiện đã xẩy ra, bao nhiêu việc làm trong qúa khứ mà người đời đã không còn nhớ tới.
Những tưởng như thế là yên thân, nhưng “chứng nào tật nấy”, tôi lại nhúng tay vào việc làm có liên hệ đến qúy ông ‘’CaCu’’. Tôi vẫn bật cười mỗi lần cậu con trai cầm bao thư của hội Không Quân gửi cho ông bố, cu cậu lại nhắc đến hai mẫu tự “KQ” với một giọng lờ lợ của một chú “Tây con” nói tiếng Việt, ‘’CaCu của bố tới nè’’!
Cũng tại cái tính nhanh hẩu đoảng của tôi, biết mình tự lấy giây buộc mình nên tôi không dám chỉ tay đổ vạ cho người khác. Sơ dĩ chuyện “mua giây buộc mình” xẩy ra cũng là tại tôi, trong một lúc bốc đồng khi viết bài Tap ghi đăng trong Đặc san KQ số phát hành đầu năm 2007, kêu gọi qúy anh “CaCu” Khóa 63D ghi tên về dự buổi họp mặt do nhóm cựu SVSQ Khóa 63D cư ngụ tại miền Bắc California tổ chức.
Vì bài viết vào số Đặc San đầu năm, tôi đã nổi hứng hùa theo thói quen của người Hoa kỳ, mỗi đầu năm đều làm ‘‘NewYear Resolutions’’ như nhiều người trong chúng ta có thói quen đầu năm đi ‘‘xin xâm, bói quẻ’’, rằng tôi hứa sẽ phụ giúp đức lang quân và các bạn của chàng trong việc tổ chức và thực hiện cuốn Kỷ Yếu Khóa 63D/KQ. Tôi lại toan thúc giục qúy anh K.63D cũng làm lời hứa đầu năm là nhận lời về tham dự đông đủ, gửi bài viết, hình ảnh cá nhân và gia đình để thực hiện cuốn Kỷ yếu. Ngôn từ thúc giục tuy nhẹ nhàng, lễ phép nhưng cũng có chút ẩn ý như một lời ‘‘chọc giận’’, thách thức. Thấy tôi hung hăng qúa, đức lang quân nheo mắt:
- Đừng bắt chước người ta, đầu năm nào cũng hứa rồi lại bỏ dở. Đã hứa thì phải giữ đấy nhé!
Thường thì chàng luôn lạc quan nhưng lúc này thấy chàng dở giọng nghi ngờ, bi quan khiến tôi ‘‘hơi’’ chạm tự ái, hai tay hai bên hông, lên giọng đanh đá:
- Tất nhiên, hứa là hứa. Chỉ sợ bạn cùng khóa với anh không đáp lời mời thôi!
Hung hăng như thế nhưng thật ra trong lòng vẫn run run vì không biết mình sẽ phải làm những gì để trọn lời hứa mặc dù chỉ hứa đóng vai phụ giúp.
Kinh nghiệm cho thấy, làm viêc tổ chức cũng như đưa tay vẽ một hàng số vô hình trong hư không. Việc đầu tiên là định ngày tháng, sau phần này lại phải nghĩ đến địa điểm. Việc tìm kiếm địa điểm khang trang cho buổi họp mặt vào những ngày cuối tuần tại vùng San Jose và phụ cận không phải là dễ dàng gì. Bình thường phải đặt cọc trước một năm nhưng ở trường hợp này thời gian từ ngày các anh quyết định cho đến ngày họp khóa và thực hiện cuốn Kỷ Yếu chỉ cách nhau có sáu tháng. Tìm được địa điểm để tổ chức họp mặt lại khó khăn hơn khi chưa có một con số cụ thể về số người tham dự, chỉ là một con số ước đoán tưởng tượng.
Việc thực hiện cuốn Kỷ Yếu cũng đầy do dự, bấp bênh vì trong qúa khứ việc làm cuốn Kỷ Yếu đã được bàn đến, được loan báo. Một số qúy anh đáp lời kêu gọi, gửi bài viết và hình ảnh cùng ngân khoản nhưng đợi chờ trong khoảng một thời gian ba năm dài vẫn chưa đủ số người tham dự để thực hiện cuốn Kỷ Yếu.
Thấy tôi băn khoăn do dự, đặt câu hỏi, đức lang quân giờ đây lại trở về với tính lạc quan, yêu đời, gạt đi những ý nghĩ bi quan tôi vừa nhắc đến, nói rằng đó là chuyện cũ không có liên hệ gì với việc làm mới. Lời nói lạc quan giúp tôi quên đi việc làm dang dở trước đây để chú trọng vào việc làm mới mong giữ trọn lời hứa đầu năm.
Sau khi quyết định chọn ngày 1-7-2007 họp khóa mừng tuổi 44 (kể từ ngày gia nhập 1-7-1963 tới 1-7-2007), đức lang quân liền nhờ mạng lưới Cánh Thép, điện thư, điện thoại để loan tin.
Nghe quyết định về ngày tháng các anh đã chọn, theo thói quen, tôi mở tờ lịch thì thấy ngày 1-7-2007 là Chủ nhật. Tôi hỏi nhỏ đức lang quân tại sao lại tổ chức vào Chủ nhật thì chàng cho biết, đối với các anh Khóa 63D, ngày 1 tháng 7 hàng năm có nhiều kỷ niệm ghi nhớ vì vừa là ngày các anh ký giấy gia nhập Không Quân mà còn trùng với lễ kỷ niệm ngày thành lập Không Quân Việt Nam Cộng Hòa. Chàng còn mỉm cười bồi thêm: ‘‘Nhị hỉ’’ đấy!
Tin vừa loan truyền qua mạng lưới Cánh Thép, anh Trần Minh Bạch ‘‘Đen’’ từ Vancouver, Canada là người đầu tiên gửi điện thư ghi tên. Không những đã gửi điện thư, anh Bạch còn liên lạc qua điện thoại cho chắc ăn.
Được điện thoại của anh Bạch, đức lang quân nhà tôi mừng lắm vì kể từ ngày rời quân trường Nha Trang vào cuối năm 1963 tới nay chàng mới được nghe lại giọng nói của người bạn cùng khóa. Lúc chàng gác điện thoại tôi mới dám hỏi chàng về húy danh ‘‘Bạch Đen’’, ‘‘Bạch Cambodge’’, ‘‘Hoàng tử Norodom’’ mà chàng vừa cười vừa nói rất vui nhộn với anh Bạch qua câu chuyện trao đổi. Tôi thắc mắc tại sao một người lại có nhiều tên cúng cơm khác nhau, chàng cho biết tại trong Khóa 63D có hai anh trùng tên là Trần Minh Bạch nên các bạn cần đặt tên cúng cơm để phân biệt. Vì anh có nước da hơi ngăm đen và lại sinh tại Nam Vang (Phnom-Penh, Cambodge) nên các bạn đặt cho anh mấy tên cúng cơm như trên.
Anh Nguyễn Đức Hiền là người khởi xướng, anh Huỳnh Thông Thái, anh Nguyễn Văn Triết nhẩy vào tiếp tay ban tổ chức, nhận việc liên lạc và thúc đẩy những bạn cùng khóa tham dự buổi họp mặt.
Anh Hiền thường xuyên liên lạc với nhiều bạn cùng khóa, anh có một danh sách hầu như đầy đủ các bạn anh hiện cư ngụ tại Hoa Kỳ, Gia Nã Đại và Âu châu, anh tình nguyện đóng vai trò liên lạc và thúc đẩy bạn hữu ghi danh họp mặt. Nói chuyện với đức lang quân nhà tôi, anh vỗ ngực tự tin: ‘‘Hiền điên đã nói thì tụi nó phải nghe!’’.
Anh Thái lập một ‘‘Group E-mail’’ và một ‘‘Website’’ để các bạn liên lạc, thông tin và theo dõi tin tức của buổi họp mặt. Việc làm của anh rất hữu hiệu, bạn cùng khóa lần lượt ghi danh họp mặt, gửi bài viết, hình ảnh, tài chánh góp vào phần thực hiện cuốn kỷ yếu.
Nhờ Group e-mail và Website, việc ghi danh, liên lạc, trao đổi tin tức qua lại đã trở thành một sinh hoạt tưng bừng, nhộn nhịp. Những lời chào mững, những nụ cười, lời hẹn hò trao đổi vui nhộn thể hiện lòng hồi hộp chờ mong ngày họp mặt khiến cho tôi, dù không có một ý niệm nào về Khóa 63D, cũng cảm thấy vui lây, cũng hồi hộp khi nhận tin, nhận điện thoại cho đức lang quân, nhận bài viết và hình ảnh qúy anh chị gửi về.
Anh Huỳnh Thông Thái vẫn giữ được tính hồn nhiên của tuổi trẻ, vẫn mang nụ cười hóm hỉnh lồng trong lời nói hai ba ý nghĩa, không phải ngụ ý châm biếm, chọc giận mà chỉ là những lời bông đùa, mua vui cùng bạn bè.
Với tính vui nhộn sẵn có, anh đã tự tôn phong Khoá 63D là một ‘‘Hoàng Gia’’, gọi các bạn là ‘‘Hoàng Tử’’, các nàng lái phi công là ‘‘Công Chúa’’. Trước đây các anh đều xưng danh là Khóa 63D (Đê), phát âm theo mẫu tự của tiếng Pháp, nhưng nay các anh đều muốn từ bỏ tiếng ‘’Tây quăng’’ để trở về với phát âm theo thứ tự của mẫu tự Việt ngữ. Anh cũng dùng hình ảnh con Dzê để làm biểu tượng (Logo) cho website của khóa. Hỏi tại sao thì anh đã nhanh nhẹn giải thich, theo thứ tự của chữ Việt thì chữ ‘‘Dzê’’ phải đi trước chữ ‘‘Đê’’ và cũng vì rất nhiều các bạn cùng khóa sinh vào năm 1943, là năm Qúi Mùi, nôm na gọi là tuổi con Dzê cho nên việc xướng danh và chọn con Dzê làm con vật biểu tượng là hợp lý (?).
Nghe lời anh Thái giải thích tôi thấy có phần nào đúng vì khi phụ giúp đức lang quân thực hiện cuốn Kỷ Yếu, đọc phần ‘‘Tiểu sử’’ của từng anh, tôi thấy một số đông các anh sinh vào năm Mùi. Nhưng còn lý do phát âm mẫu tự ‘’D’‘ theo tiếng Tây hay tiếng Việt có lẽ cũng chỉ là một lời giải thích cho qua câu chuyện, tuy có ‘‘mùi’’ yêu tiếng mẹ đẻ đấy nhưng dường như còn có một dụng ý nào khác. Phải chăng vẫn còn thích thú tưởng tượng đến hình ảnh con vật hay húc càn?..
Cũng nhờ không khí vui nhộn của ‘‘mạng lưới 63d’’ và ‘‘tổ hợp điện thư’’ đưa tin qua lại, đã thu hút được sự hưởng ứng tấp nập của các bạn đồng khóa. Từng người liên tục ghi danh, anh Cẩm Văn Hoành, anh Hoàng Đình Trục, anh Bạch Diễn Sơn, anh Hà Văn Hòa, anh Võ Huỳnh Ánh, anh Phan Tấn Công, anh Lương Ngọc Anh, anh Trần Đức Tuấn, anh Nguyễn Minh Đức, anh Nguyên Văn Ghi, anh Trần Tấn Định, anh Nguyễn Tài Hiệp, anh Nguyễn Thanh Tùng. Anh Tùng còn rủ thêm một người bạn Khóa 63G là anh Phạm Thành Quới về chung vui họp mặt. Có một anh nào đó đùa rằng, anh Quới thấy vui nhộn qúa nên cũng muốn nhập đàn‘‘Hoàng Gia 63Dzê’’ của anh Thái vì phát âm của hai mẫu tự ‘‘Dzê’’ và ‘‘G’’ không khác nhau bao nhiêu (?).
Đôi khi tôi có dịp liên lạc với anh chị Nguyễn Văn Triết bên Houston, Texas để xin thêm điện thoại và điện thư của những anh cùng khóa nhưng đã từ lâu không có liên lạc. Chị Triết nhận lời ngay và hứa gọi điện thoại hối thúc, nhất là hối thúc các bà chị thì hiệu lực hơn. Đúng là chị Triết biết xử dụng ‘‘lệnh và luật của các bà…’’! Riêng anh Triết mạnh bạo kiểu ‘‘nhà binh’’ hơn, anh nói nếu anh chàng nào không ghi danh họp mặt thì anh Triết sẽ ‘‘gọi tới nhà, la cho một trận là hắn phải đì…”.
Đức lang quân nhà tôi vẫn luôn tin tưởng vào lời nói của bạn đồng khóa, chàng lẩm bẩm ‘‘Hiền Điên, Triết Lồi đã nói là làm đấy. Sẵn sàng đi, điện thư, điện thoại, bài viết sẽ tới tấp gửi về ghi danh, sợ ghi sổ không kịp …’’.
Tôi vẫn dè dặt qua những lời lạc quan của chàng, tính dè dặt, bảo thủ cố hữu vẫn luôn quanh quẩn trong đầu óc, chỉ nhìn thấy, nhận được mới tin là sự thật. Qủa nhiên số người ghi danh tiếp tục gia tăng, như anh Nguyễn Văn Tùng, anh Hồ Vĩnh Thủy, anh Nguyễn Kim Năm, anh Lý Trực Ninh, anh Đinh Tuấn, anh Trần Ngọc Thạnh, anh Phan Văn Dũng, anh Nguyễn Văn Thạch. Anh Thái thường gọi anh Thạch là ‘‘Thạch Slow!’’ nhưng trong bài viết ‘‘Tình yêu biệt phái’’ tôi thấy anh Thạch nhanh qúa, thu hút tình yêu của nhiều nàng trong một thị trấn nhỏ cùng một lúc!
Mặc dù còn mải mê ôm ấp, trông coi ‘‘vườn đào’’ vùng cao nguyên Đà Lạt, thấy vui nhộn qúa, anh Phan Văn Dũng không bỏ lỡ cuộc vui đặc biệt này, vội vã trở vế thung lũng hoa vàng tìm gặp bạn bè.
Rồi mỗi buổi chiều mở thùng thư lại nhận thư của cac anh gửi về đóng góp phần mình như một xác định sẽ có mặt trong buổi họp mặt. Anh Võ Hoàng Thanh, anh Khưu Văn Phát, anh Vũ Viết Qúy, anh Nguyễn Văn Tâm, anh Võ Văn Oanh, anh Lê Tấn Thinh. Mỗi khi nhắc đến tên anh Oanh, nhiều anh trong khóa như anh Nguyễn Đức Minh, anh Hà Văn Hòa, anh Huỳnh Thông Thái… vẫn thường gọi là ‘‘Oanh King Kong’’. Hầu hết các anh đều được gán cho một tên cúng cơm đặc biệt, tôi không dám hỏi tại sao vì nếu tò mò tìm hiểu có lẽ phải viết thành một cuốn truyện dài. Dường như anh Oanh muốn tận dụng những giây phút gần gũi bạn bè, dùng máy hình liên tục ghi lại từng sinh hoat, từng khuôn mặt như cố níu giữ những những kỷ niệm khó quên. Cám ơn anh Oanh, cũng nhờ anh mà khi thực hiện bộ DVD và CD mới có nhiều hình ảnh độc đáo để các bạn anh cùng giữ làm kỷ niệm.
Riêng anh Lê Tấn Thinh đã làm một màn khiến các bạn đứng tim! Đang đứng nói chuyện với những bạn chung quanh bỗng anh ngồi sụp xuống như người bị cơn gió đẩy. Nhân thấy có điều bất thường, anh Diêu, anh Liêm, anh Ẩn, anh Xương và một số anh xúm lại giúp đưa anh Thinh vào bóng mát, cháu Jackie vội vã gọi ‘‘911’’, thế là anh Thinh trực chỉ vào bệnh viện. Chưa biết ai phải đi theo để giúp anh Thinh thì anh chị Nguyễn Thanh Liêm đã không ngần ngại cử cậu con trai tháp tùng anh Thinh. Ai nấy lo ngại cho tình trạng sức khỏe của người bạn nhưng không biết làm gì hơn, chỉ còn đợi tin từ bệnh viện.
Giữa bữa tiệc, anh Thinh gọi về nói chuyện với đức lang quân nhà tôi, tôi hồi hộp đợi tin, thấy đức lang quân vừa nói vừa cười, tôi yên tâm phần nào. Lúc ngưng diện thoại tôi hỏi nhỏ về tình trạng anh Thinh thì chàng cười:
- Hắn nói chuyện oang oang lại còn ca câu vọng cổ mùi ‘‘Em chưa chết đâu anh’’ nữa, rồi lại đòi bác sĩ cho về tiếp tục buổi họp mặt. Như vậy là nó OK rồi’’.
Đức lang quân nhà tôi liền vội vã loan tin mừng này, ai nấy thở phào nhẹ nhõm, tiếp tục nhộn nhịp vui hưởng buổi họp mặt.
Thật nhiều cám ơn gửi đến cháu gái Jackie của anh chị Bắc đã phản ứng nhanh nhẹn gọi ‘‘911’’ và hướng dẫn đội cấp cứu.
Xin gửi lời cám ơn cháu trai của anh chị Liêm và anh chị Liêm đã không ngần ngại giúp bạn trong lúc khẩn cấp. anh chị Liêm còn chu đáo theo dõi tình trạng anh Thinh trong suốt thời gian nằm bệnh viện cho đến khi xuất viện và lên phi cơ về nhà.
Sau này hỏi nguyên do mới biết, qua một thời gian thật dài mới gặp lại đông đủ bạn bè, vui qúa, anh Thinh đã mải mê tụ họp, chuyện trò quên cả ngủ. Vừa đặt chân đến vùng thung lũng hoa vàng, anh đã cùng các bạn tụ họp tại nhà chị Thanh Huệ và Charlie Parker ‘‘phá làng phá xóm’’ tới khuya, rồi buổi sáng hôm sau lại kéo nhau tới nhà anh chị Nguyễn Công Bắc ăn sáng, ăn trưa, liên tục cho đến buổi ‘‘Tiền phi’’ vào chiều tối.. Rồi trong buổi họp mặt chính anh lại đứng ngoài nắng tiếp tục vui đùa cùng bạn bè qúa lâu nên cơ thể mới nổi loạn làm khó dễ với anh, mặc dù anh không hề đụng tới hơi men . Như vậy là anh Thinh đã bị ‘‘say nắng’’ chứ không phải là ‘‘say men’’ thù tạc với bạn bè như có người đặt lời nghi vấn.
Khởi đầu, khi ban tổ chức quyết định loan tin hơp khóa, tôi vẫn phân vân lo ngại vì hai chữ đối nghịch ‘‘thành công, thất bại’’ vẫn thường ám ảnh qua mỗi lần làm cộng việc tổ chức. Nhưng khi thấy qúy anh nhộn nhịp gọi nhau tham dự, những ý nghĩ bi quan lảng vảng trong đầu óc đã tan biến, nhường cho một cảm giác tự tin và tin tưởng vào tính lạc quan sẵn có của đức lang quân “đã tính là phải làm, đã làm phải thành công” như chàng thường vỗ ngực với ngôn ngữ chủ quan trong những việc làm. Tôi chỉ nhận một phần nhỏ trong việc tổ chức, việc chính của tôi là phụ giúp đức lang quân thực hiện cuốn Kỷ Yếu cho Khóa 63D.
Sợ không đủ thời gian, đức lang quân nhà tôi gửi điện thư đến các bạn chàng, đề nghị thuê người thực hiện DVD thay cho cuốn Kỷ Yều, để dồn tất cả thời gian và nỗ lực vào việc tổ chức. Nhưng hầu hết qúy anh đều muốn thực hiện cuốn Kỷ Yếu, một số anh khác lại muốn có cả hai, Kỷ Yếu và DVD!
Để chiều ý các bạn, đức lang quân nhà tôi quyết định thực hiện cuốn Kỷ Yếu, sau này nếu điều kiện cho phép sẽ nghĩ đến việc thực hiện thêm DVD. Chàng còm lẩm bẩm ‘‘đã làm thì phải làm cho ra hồn, làm cuốn Kỷ Yếu để giữ chứ không làm cho có rồi lại vất đi như những tạp chí thông thường’’.
Bài viết và hình ảnh gửi về liên tuc, việc ghi danh họp mặt cũng nhộn nhịp gia tăng, như trường hợp anh Huỳnh Liên, mới đầu chỉ ghi danh có mình anh nhưng có lẽ thấy bạn bè nhộn nhịp vui vẻ qúa nên anh đã đưa cả gia đình gồm sáu người tham dự. Rồi đến anh Mai Văn Chớ, khởi đầu chỉ ghi danh cho hai anh chi, sau đó ghi thêm cho cả gia đình gồm tám người. Riêng anh Nguyễn Thanh Liêm, mới đầu chỉ ghi tên hai anh chị nhưng đến phút chót đã tăng lên chẵn hai chục người, gồm gia đình và bạn hữu.
Tới tấp nhận bài viết và hình ảnh, nhận điện thư, điện thoại ghi danh, tuy còn bận bịu với việc nhà, việc sở nhưng với liên lạc nhộn nhịp này đã giúp tôi vui lây như thời gian giúp đức lang quân thực hiện cuốn Đặc San KQ Bắc Cali. trước đây. Cảm nghĩ này giúp tôi dễ dàng giúp tôi giữ trọn lời hứa đầu năm để không sợ bị đức lang quân chế diễu, nghi ngờ bỏ cuộc.
Ngồi đọc lại những bài viết gửi kèm theo điện thư hoặc dùng ‘‘keyboards’’ để viết lại những bài viết tay, đôi khi tôi đã phải ngồi yên lặng suy nghĩ khi dòng tình cảm chợt đến qua lời tâm tình và hoàn cảnh đã đưa đẩy mỗi người vào bước đường đời riêng biệt.
Anh Trần Minh Bạch gửi tâm tình mình trong bài viết như một lá thư gửi các bạn để trần tình về bước đường anh đã trải qua. Khi bắt liên lạc lại với các bạn cùng khóa, anh đã tâm sự: ‘‘Gặp lại các bạn 63D tưởng chỉ là trong mộng, nhưng đây là sự thật!’’. Tôi đã gặp anh chị Bạch-Hương trong những ngày các anh Khóa 63D họp mặt. Chị Hương nhanh nhẹn, tháo vát, tuy chỉ là lần đầu nhưng tôi đã cảm thấy thân thiết, gần gũi như quen nhau từ lâu. Còn anh Bạch, cử chỉ và giọng nói của anh cũng từ tốn, điềm đạm như bài anh viết.
Anh Trịnh Thành Châu, anh Vương Minh Dương, anh Nguyễn Văn Cổn đều ghi lại kỷ niệm với những người bạn cùng khóa đã chẳng may nửa đường gẫy cánh. Anh Cổn còn viết thêm một bài về những người bạn cùng khóa mà anh gọi là ‘‘Chân dung một số người hùng khóa 63D’’. Anh đã ghi lại những nét đặc biệt của một số bạn cùng khóa qua một lối kể chuyện rất vui nhộn, dí dỏm.
Sau ngày 30-4 buồn thảm, một số trong các anh đã kẹt lại, đã phải trả nợ đời bằng một giá qúa đắt qua những năm tháng bị hành hạ trả thù. Mặc dù thời gian đã qua đi, nghoảnh nhìn lại đã trên 32 năm, thời gian dài đó tưởng đã dần phai mờ những kỷ niệm đau buồn, nhưng những hình ảnh đen tối ấy vẫn luôn ám ảnh như một vết thương hằn sâu đời người, như anh Đỗ Ngọc Ẩn đã phải tâm sự trong bài ‘‘Tưởng rằng đã quên’’, hoặc anh Võ Hoàng Thanh đã ghi lại quàng đường đời khổ cực dai dẳng trong ‘‘Mười năm đi Bắc về Nam’’, và anh Lê Tấn Thinh đã ghi lại trong bài ‘‘Tạp ghi Lê tấn Thinh’’.
Anh Thiều Quang Diêu đã dùng ý nghĩ hài hước, vui nhộn trong bài viết ‘‘Tự khai lúc xế chiều’’ để thay thế cho tiểu sử cuộc đời. Đọc bài viết, đọc những ý kiến, những câu hỏi gửi đến bạn bè trong những điện thư qua lại, tôi có cảm tưởng anh Diêu là người nhiều ý kiến, nhiều lời nói, nhưng trái lại, trong những buổi họp mặt tôi thấy anh rất yên lặng, trầm tĩnh.
Anh Thái ghi lại những vui nhộn của đời sống ‘‘học trò’’ khi được huấn luyện tại các trường bay Hoa Kỳ. Mặc dù trở về trường chuyên nghiệp nhưng hai chữ ‘‘học trò’’ ở giữa lứa tuổi hai mươi vẫn chưa thoát khỏi tính phóng khoáng, nghịch ngợm, chưa thoát khỏi ngôi vị thứ ba, sau qủy và ma!
Anh Phạm Quang Minh nhìn đời với con mắt thực tế, suy nghĩ và lý luận của một người trầm tĩnh, chấp nhận luật tạo hóa an bài như anh gói ghém trong bài viết ‘‘Đôi Lời Tâm Tình’’. Anh có biệt danh bạn bè đặt cho là ‘‘Minh đầu hói’’, hỏi ra mới biết là ngay từ khi nhập khóa ở lứa tuổi hai mươi mà đầu đã hói thì việc đặt biệt hiệu không có gì khó khăn. Anh rất tán thành và thúc đẩy việc họp khóa để có dịp bạn cùng khóa xum họp, không phải vì ham mê tụ họp đình đám mà để cùng nhau tìm lại những kỷ niệm thân yêu của qúa khứ. Có người đặt câu hỏi tại sao người trẻ sống trong tương lai, người già sống trong qúa khứ, anh Minh trả lời rất đơn giản ‘‘…vì người già có một qúa khứ qúa dài, tương lai lại quá ngắn!...’’.
Anh Minh có người em là anh Phạm Quang Khiêm, cùng phục vụ trong Không quân. Anh Khiêm thu thập rất nhiền hình ảnh về sinh hoạt của Không quân. Đức lang quân nhà tôi đã liên lạc với anh để được xử dụng một số hình trong cuốn Kỷ yều, nổi bật là tấm hình bìa. Xin thành thực cám ơn anh Phạm Quang Khiêm.
Viết về những kỷ niệm thời gian đầu nhập khóa, hầu hết qúy anh đều nhắc đến doanh trại đầu tiên tại Tân Sơn Nhất, đến câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc là nơi qúy anh thụ hưởng những bữa ăn thịnh soạn hàng ngày, đến qúy vị sĩ quan và huấn luyện viên, đến buổi lễ gắn Alpha tại tại Bộ Tư Lệnh KQ như những kỷ niệm khó quên trong đời.
Thấy qúy anh thường xuyên nhắc đến câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, đức lang quân nhà tôi bèn nẩy ý định sẽ biến địa điểm tổ chức, nhà hàng Thành Được, thành câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc, như thêm một bất ngờ thích thú cho bạn bè. Chàng liền đến gặp anh chị Thành Được ngỏ ý định của mình và mong được chấp thuận cho chàng dựng bảng ‘‘Câu Lạc Bộ Sĩ Quan KQ Huỳnh Hữu Bạc ‘’ trước cửa nhà hàng. Anh chị Thành Được gật đầu đồng ý ngay, chị Thành Được còn dễ dãi hơn, nói thêm ‘‘anh cứ tự nhiên, Không Quân mà, muốn quậy sao cũng được!...’’. Đấy, các anh KQ nghe có thấy sướng tai chưa?
Khung cảnh nhà hàng khang trang, ấm cúng, ghế ngồi phủ một lớp sơn mầu tím nhạt dễ thương, dịu mắt, tương tự như mầu sắc của những chiếc ghế ngồi tại Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc thuở nào. Không phải chỉ riêng các anh, tôi cũng có kỷ niệm êm đẹp, gần gũi với câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc vì đó là nơi đức lang quân cùng tôi tiếp đón quan khách, bạn hữu và gia đình trong ngày thành hôn vào năm cuối của thập niên sáu mươi.
Khi nhìn thấy bảng ‘‘Câu lạc bộ Sĩ quan KQ Huỳnh Hữu Bạc’’, gặp thích thú bất ngờ, nhiều anh đã vội vã thay nhau chụp hinh kỷ niệm như vừa tìm ra một địa danh lịch sử đáng nhớ.
Anh Lý Trực Ninh chụp xong tấm hình, quay lại dơ tay bắt tay đức lang quân nhà tôi, tâm sự:
- Thật vui mừng và cũng thật cảm động được gặp các bạn cùng khóa. Nhìn thấy bảng ‘‘Câu lạc bộ Huỳnh Hữu Bạc’’ này lại càng thấy qúa khứ hiện về gần hơn, mặc dù đã 44 năm!
Giọng Huế trầm bổng của anh đôi lúc ngập ngừng như bị lạc trong dòng tình cảm chợt đến. Vẫn nắm chặt tay đức lang quân nhà tôi, im lặng giây lát, anh Ninh lại tiếp:
- Thú thật với bạn, từ hôm về đây, gặp lại một số đông các bạn như thế này, vui qúa và cảm động qúa, tôi đã khóc mấy lần rồi, khóc vì vui đấy bạn ạ!
Đức lang quân nhà tôi mỉm cười, xiết chặt tay anh Ninh như một cử chỉ cùng chia sẻ ý nghĩ và tình cảm êm đẹp. Tôi không ngạc nhiên về lời anh Ninh tâm tình với đức lang quân nhà tôi vì ngay trong bài “Tự Truyện” anh viết cho tập Kỷ Yếu, anh đã thổ lộ tình cảm của anh với bạn cùng khóa, chấp nhận hoàn cảnh, thương yêu gia đình và nhất là với người bạn đường – “cô bé Hồng” – mà anh nhắc đến nhiều lần.
Tôi chợt nhớ tới đôi ba lần trước đây, trong lúc nói chuyện qua lại mời gọi bạn bè về họp mặt, đức lang quân còn nửa đùa nửa thật nhắn them: ‘‘khi về nhớ mang theo hộp Kleenex đấy nhé’’! Rồi chàng lại mỉm cười, nhởn nhơ nói tiếp: ‘‘Nếu các anh về đây mà tôi không làm cho các anh khóc được thì tôi không vui’’!
Ý nghĩ mâu thuẫn, độc ác như thế đấy!
Có lẽ chàng muốn nhắc khéo cho bạn bè vì biết rằng trong những buổi họp mặt như thế này, đôi khi tình cảm trào dâng bất chợt như lời anh Lý Trực Ninh vừa tâm sự. Suy nghĩ này đã thành sự thật trong nghi lễ Vinh Danh và Truy Điệu những người bạn cùng khóa đã hy sinh trọn vẹn đời mình cho quê hương và lý tưởng.
Trong nốt nhạc nhè nhẹ của bài ‘‘Cho Một Người Vừa Nằm Xuống’’ anh Võ Huỳnh Ánh bắt đầu đọc tên những người bạn, nhưng chưa kịp cất lời anh đã khựng lại như bị một sức mạnh vô hình bóp nghẹt khí quản. Cả hội trường im lặng chờ đợi, có tiếng sut sùi quanh quẩn đâu đây, những ngón tay đưa lên vội gạt những giọt nước mắt như cố che dấu giây phút buồn phiền. Anh Thái đưa tay vỗ nhẹ trên lưng anh Ánh như một cử chỉ an ủi, vuốt xuôi cơn buồn phiền, tiếc thương để anh Ánh lấy lại bình tĩnh. Anh hít một hơi dài như cố đè nén dòng tình cảm rồi bắt đầu cất tiếng đọc tên những người bạn thương mến.
Tiếp lời anh Ánh, anh Hiền, anh Thái tiếp tục đọc lời vinh danh. Anh Thái vừa dứt, chị Nguyễn Công Bắc cất tiếng ca lời cuối của bản nhạc. Lời ca chậm dãi, kéo dài như tiếng kinh cầu, du lòng người vào với không khí linh thiêng vinh danh đời người.
Trong không khí linh thiêng, cảm động như thế mà chị Bắc vẫn giữ được bình tĩnh, diễn tả được ý nghĩa và tấm lòng của các anh K.63D gửi gấm trong nốt nhạc, lời ca để vinh danh và truy điệu những người bạn đã chẳng may giữa đương gẫy cánh. Nếu tôi phải làm việc này có lẽ tôi không giữ được bình tĩnh, sẽ bị ngập ngừng đứt doạn. Cám ơn chị Bắc.
Cũng nhân dịp này, anh chị Nguyễn Thanh Liêm đã mời được hai phi công Trực thăng khóa đàn anh là anh Trần Văn Phước, Khoá 61, và anh Nguyễn Qúy An, Khóa 63A, là hai người đã can đảm vào vùng lửa đạn để cứu anh Liêm và phi hành đoàn khi chiếc trực thăng của anh bị trúng đạn phònh không trong phi vụ thả quân tại vùng A Shau vào năm 1969. Anh Liêm vẫn ghi ơn cứu mạng này trong tâm tưởng từ lâu, chỉ mong có dịp nào đó được đền đáp thì nhân dịp này anh đã đề nghị với ban tổ chức cho anh được dịp bày tỏ tấm lòng cám ơn anh Phước và anh An trước quan khách và đồng đội hiện diện trong buổi họp mặt.
Có chị Liêm sát bên cạnh, anh Liêm đôi lúc đã lạc giọng trong khi kể lại việc làm dũng cảm của anh Phước và anh An. Mặc dù chỉ là một dịp để tỏ lòng biết ơn nhưng vẫn nói lên một hình ảnh hào hùng trong tình “huynh đệ chi binh” của những người Không Quân như qúy anh.
Xin được gửi lời chúc mừng anh chị Nguyễn Thanh Liêm và xin được gửi một bông hồng đến anh Phước và anh An như góp thêm hương sắc cho một lòng với nhiệm vụ và trách nhiệm cao cả.
Qua ba ngày họp mặt nhộn nhịp, đức lang quân và tôi thở một hơi dài mãn nguyện vì đã cùng ban tổ chức hoàn thành công việc tổ chức. Tất cả cùng hành động theo như cầu, chị Thanh Huệ nhận phần văn nghệ, tìm mướn ban nhạc, anh chị Bắc tìm khiếm địa điểm tổ chức, tìm khách sạn để bạn bè trú ngụ. Anh chị Minh, anh chị Ẩn, anh chị Xương, anh chị Liêm đã không quản ngại ra bến xe, đến phi trưỡng đón bạn từ phương xa, đón đưa đi về từ khách sạn, dẫn đường trong suốt thời gian họp mặt.
Sau bữa điểm tâm chia tay, tôi có cảm tưởng có nhiều anh chị vẫn dùng dằng như chưa muốn vội lên đường, có lẽ vẫn còn tiếc nuối những giây phút gần gũi, phải mất một thời gian hẹn hò, đợi mong mới gặp lại.
Nghe những tiếng cười, những lời chào mừng, nhìn những bàn tay nắm chặt, những cánh tay ôm chặt bờ vai như muốn niú kéo tình bạn thân yêu khiến tôi cũng cảm thấy lây thêm niềm vui. Ngoài một số các chị tôi đã có dịp gặp trong lần họp khoá tại Houston vào năm 2003, lần này tôi được hân hạnh gặp thêm một số bạn mới. Tuy chỉ là ba ngày nhộn nhịp, vội vã nhưng vẩn là những ngày giờ được xử dụng hữu hiệu tối đa, tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi để chào hỏi, để làm quen trong tình thân yêu qúy mến mà những người bạn Hoa Kỳ thường gọi là ‘‘quality times’’ vậy. Xin cám ơn tất cả qúy chị đã tháp tùng qúy anh về đây họp mặt, nhờ vậy tôi được gặp lại những chị bạn tôi đã gặp trước đây vã được gặp thêm những chị bạn mới.
Nhân dịp này, Ban tổ chức xin được thành thực cám ơn tất cả qúy thân hữu, NT Nguyễn Hồng Tuyền, qúy bạn thuộc Hội Ái Hữu KQ Bắc California đã đến chung vui hội ngộ. Đặc biệt cám ơn KQ và chị Vũ ngô Khánh Truật đã bay về từ tiểu bang Ohio.
Giờ đây tôi mới cảm thấy yên tâm vì đã trọn lời hứa giúp đức lang quân hoàn thành cuốn Kỷ yếu và thêm một niềm vui khi các anh chị đón nhận cuốn Kỷ yếu với tất cả tấm lòng mở rộng, qúy mến.
Hoàn thành được cuốn Kỷ yếu theo ý muốn cũng là nhờ hảo ý, đóng góp dồi dào và lòng tin tưởng của tất cả các anh, các chị. Xin cám ơn anh chị Ánh, anh chị Bạch, anh chị Cổn, anh chị Liêm, anh chị Tâm, anh chị Thái, anh chị Nguyễn Đức Minh là những người đã thúc đẩy và hậu thuẫn mạnh mẽ trong việc thực hiện cuốn Kỷ yếu 63D.
Cuốn Kỷ Yếu mang tính cách quan trọng về nội dung cũng như hình thức, là một tập hợp kỷ niệm ghi lại những hình ảnh, những tâm tình, những cảm xúc của mỗi cá nhân trong một tập thể. Nhớ lại từng khuôn mặt, từng cử động, từng cá tính, mặc dù chỉ gặp nhau một thời gian ngắn ngủi trong đời sống tập thể để rồi chia tay nhau mỗi người một phương trời, một nhiệm vụ theo nhu cầu. Cuộc sống dồn dập, bấp bênh, vội vã trong vòng lửa đạn đôi lúc như đã quên đi tất cả quá khứ, không dám nghĩ đến tương lai mà chỉ còn biết níu lấy hiện tại.
Hoàn cảnh và cuộc sống đã đưa đẩy biết bao người phải quên tuổi niện thiếu để trưởng thành vội vã. Sau cơn binh lửa, chưa kịp kiểm lại ai còn, ai mất, nhiều người lại lâm vào cảnh khổ cực của sự hành hạ, tù đầy, mất đi thêm một phần của đời người vào tuổi hăng say, nhiệt huyết.
Năm tháng chồng chất, những gian truân, khổ cực rồi cũng qua đi để rồi lại tìm hẹn nhau, nhắc lại những kỷ niệm của một thời, qua hình ảnh, qua bài viết gửi gấm trong những trang giấy như một kỷ vật để giữ làm kỷ niệm đời người.
vào thu 2007
Nhã Dung
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment